Vùng miền núi phía Bắc được xác định là vùng có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp, cây công nghiệp dài ngày... nhưng nơi đây vẫn là vùng đất nghèo, vùng khó khăn của cả nước, thu hút đầu tư còn hạn chế. Vì vậy, cần những cơ chế đặc thù để đánh thức tiềm năng vùng núi phía Bắc, tạo ra những sản phẩm đặc sản của vùng.
Những năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với nhiều Bộ, ngành thực hiện Chương trình “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2010 - 2015”. Chương trình này đã mang lại nhiều kết quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn nông thôn miền núi, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa miền núi và miền xuôi, giữa thành thị và nông thôn.
Bên cạnh đó, giai đoạn 2012 - 2014, các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc cũng triển khai được gần 900 nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Số lượng các kết quả nghiên cứu, tiến bộ kỹ thuật được áp dụng và nhân rộng tăng lên rõ rệt trung bình từ 50 - 70% tổng số kết quả nghiên cứu ứng dụng. Tuy nhiên vẫn có nhiều khó khăn, bất cập do việc phân bổ kinh phí sự nghiệp khoa học còn dàn trải, chưa có nhiều nhiệm vụ khoa học mang tính liên tỉnh, liên vùng; việc thu hút nguồn lực từ xã hội cho hoạt động nghiên cứu khoa học chưa được đẩy mạnh; chưa có nhiều sản phẩm công nghệ thế mạnh mang tính chế biến sâu…
Theo ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, mặc dù đã có nhiều nỗ lực chuyển giao các kết quả nghiên cứu nhưng hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội vùng miền núi phía Bắc còn nhiều khó khăn. Để góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng, rất cần có định hướng và giải pháp cụ thể trong việc phát huy tiềm lực khoa học và công nghệ của từng địa phương và của cả vùng.
Kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ rất hạn chế, cộng với việc thiếu các nguồn lực từ xã hội cũng như thiếu nguồn nhân lực đang là cản trở không nhỏ trong phát triển vùng miền núi phía Bắc. Vì vậy cần thay đổi cách tiếp cận vấn đề, đồng thời các nhà khoa học cần xây dựng được mô hình khẳng định quy trình nuôi con gì, trồng cây gì để ra được sản phẩm tốt. Nhưng phải tiếp cận được thị trường, có đầu ra trong nước và nước ngoài, đảm bảo phát triển sản phẩm một cách bền vững./.