Một năm trở lại đây, cuộc sống của hàng chục bệnh nhân ung thư gan tại Việt Nam đã được cải thiện và nâng cao nhờ áp dụng thành công phương pháp hạt vi cầu phóng xạ.
Điều trị bệnh ung thư gan là một thách thức với ngành Y, bởi lẽ có rất ít phương pháp đặc trị điều trị hiệu quả căn bệnh này, nhất là với những người mắc ung thư gan giai đoạn muộn. Tuy nhiên, một năm trở lại đây, cuộc sống của hàng chục bệnh nhân ung thư gan đã được cải thiện và nâng cao nhờ áp dụng thành công phương pháp hạt vi cầu phóng xạ.
Mặc dù kỹ thuật này đã được thực hiện từ lâu trên thế giới, nhưng rất ít quốc gia triển khai do đây là kỹ thuật khó với chi phí tốn kém. Hiện tại, ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương chỉ có một số quốc gia thực hiện thành công phương pháp này như: Australia, Singapore, Thái Lan…
Năm 2014, Việt Nam cũng đã áp dụng thành công phương pháp này lần đầu tiên. Từ đó đến nay, trên cả nước mới có bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện thành công phương pháp này.
Thêm cơ hội sống cho người bệnh
Bệnh nhân Nguyễn Thị Nhật (69 tuổi, Phú Thọ) phát hiện mắc bệnh ung thư gan cách đây 8 năm. Năm 2008, bệnh nhân đã điều trị ở bệnh viện 108 bằng phương pháp nút mạch. Bốn năm sau, bà lên bệnh viện Bạch Mai tái khám vì khối u tái phát. Tại đây, các bác sĩ đã thực hiện nút mạch lần 2 cho bệnh nhân.
Đến năm 2015, do bệnh tiến triển sang giai đoạn muộn, không thể áp dụng phương pháp điều trị ung thư khác như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, bà Nhật đã được các bác sĩ tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, bệnh viện Bạch Mai chỉ định áp dụng phương pháp hạt vi cầu phóng xạ.
“Chỉ sau vài giờ thực hiện, tôi đã có thể ra viện. Đặc biệt, chỉ sau 2 ngày áp dụng phương pháp này, tôi thấy sức khỏe được cải thiện hơn rất nhiều và có thể đi lại bình thường”, Bà Nhật chia sẻ.
Theo ông Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, trước đây, khi chưa áp dụng thành công phương pháp này tại Việt Nam, những trường hợp như bệnh nhân Nhật có thể điều trị ung thư gan bằng nhiều phương pháp khác nhau như: phẫu thuật tại chỗ, nút mạch, đốt sóng cao tần, tiêu diệt khối u tại chỗ bằng sử dụng nhiệt, điều trị bằng hóa chất, bằng xạ trị.
“Tuy nhiên, hiệu quả điều trị của những phương pháp này không cao vì rất ít hóa chất có hiệu quả và đáp ứng tốt với bệnh ung thư gan; phương pháp xạ trị cũng như vậy”, Ông Mai Trọng Khoa cho biết.
Trường hợp bệnh nhân Nhật chỉ là 1 trong 18 bệnh nhân mắc ung thư gan được điều trị thành công từ phương pháp này tại bệnh viện Bạch Mai từ tháng 2/2014 đến nay.
Trong các loại ung thư thì ung thư gan là một trong những loại bệnh khó điều trị và hiệu quả, đặc biệt là bệnh ở giai đoạn muộn.
“Tuy nhiên, phương pháp mới này đã cứu sống nhiều người bệnh, kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đặc biệt, hiệu quả điều trị bệnh từ phương pháp này rất cao trong khi biến chứng và phản ứng phụ lại rất ít. Đây là một phương pháp rất tốt”, Ông Mai Trọng Khoa đánh giá.
Đề xuất BHXH chi trả một phần
Ung thư gan là 1 trong 8 bệnh ung thư hay gặp nhất trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, ung thư gan là loại ung thư phổ biến đứng hàng thứ 4 trong các loại ung thư ở cả nam và nữ. Đặc biệt, tỷ lệ bệnh nhân bị ung thư gan đến BV điều trị trong giai đoạn muộn rất cao nên quá trình điều trị rất khó khăn, kém hiệu quả và tốn kém.
Theo bác sĩ Trần Hải Bình, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, nếu điều trị ung thư bằng hóa chất, chi phí 1 tháng vào khoảng 120 triệu. Bảo hiểm y tế chi trả 50% nên người bệnh sẽ phải trả 60 triệu/tháng. Một đợt điều trị kéo dài 10 tháng thì con số bệnh nhân phải trả sẽ lên tới 1,2 tỷ đồng (nếu không được BHYT chi trả).
Trong khi đó, người bệnh phải chi trả 330 triệu đồng/lần thực hiện điều trị bằng phương pháp hạt vi cầu phóng xạ. Như vậy, tính trung bình thì điều trị bằng phương pháp này rẻ hơn rất nhiều so với các phương pháp truyền thống hiện nay như xạ trị, hóa trị.
“Tuy nhiên, do phải bỏ ra một khoản tiền lớn lên tới 330 triệu đồng một lúc, nhiều gia đình bệnh nhân không đủ sức cáng đáng. Vì vậy, cho đến nay Trung tâm mới thực hiện phương pháp này đối với 18 bệnh nhân”, bác sĩ Bình cho hay.
Ngoài ra, không phải bệnh nhân nào cũng được chỉ định áp dụng phương pháp này. Phương pháp hạt vi cầu phóng xạ được chỉ định với những bệnh nhân đã thất bại với các phương pháp điều trị trước đó như: phẫu thuật, nút mạch, xạ trị và hóa trị.
"Hiện tại, phương pháp điều trị mới này chưa được BHYT thanh toán. Sắp tới, Trung tâm sẽ nghiên cứu và đề xuất BHYT thanh toán một phần chi phí của phương pháp điều trị này", bác sĩ Bình nói.