Ngày 19-11, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức chương trình hội thảo với chủ đề "Chuyển đổi số: Cơ hội và thách thức" nhằm đưa ra bức tranh tổng quan về tình hình chuyển đổi số trong cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam và chỉ ra những mục tiêu cụ thể mà các cơ quan nhà nước, cũng như các doanh nghiệp, người dân cần nắm bắt.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, Nguyễn Minh Hồng cho biết: Hội thảo được tổ chức với hy vọng các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, chuyên gia cùng nhau nhìn rõ hơn các cơ hội, thách thức của công cuộc chuyển đổi số thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong tiến trình chuyển đổi số phù hợp sự phát triển của công nghệ, để hợp tác, phát triển, thay đổi cách thức quản lý, phương thức hoạt động, sản xuất kinh doanh.
Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe các báo cáo trình bày: Tổng quan về quá trình chuyển đổi số của Việt Nam; chuyển đổi số thành công cho khu vực doanh nghiệp - kinh nghiệm toàn cầu và bài học cho doanh nghiệp Việt Nam; tiến trình chuyển đổi số cho Egov và Smart City của thành phố Hà Nội; công nghệ VNPT 4.0 và một số ứng dụng chuyển đổi số cho doanh nghiệp tại Việt Nam. Các đại biểu tham dự cùng nhau thảo luận về những cơ hội, thách thức của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa chỉ ra rằng: Chuyển đổi số gắn với 3 đối tượng rõ ràng là con người, doanh nghiệp, Nhà nước. Trong đó, về con người trong chuyển đổi số, có thể nhận thấy các ngành đang yêu cầu nguồn nhân lực phù hợp cho chuyển đổi số bởi vậy vấn đề đặt ra là cần quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực. Trong doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi từ kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ truyền thống sang kinh doanh trên nền tảng số, sản phẩm, dịch vụ tích hợp công nghệ, chủ yếu sử dụng robot và trí tuệ nhân tạo. Cơ quan nhà nước chuyển đổi số phải theo 3 nguyên tắc: Người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, Chính phủ là nền tảng, dữ liệu là cốt lõi.
Nói về những lĩnh vực cần quan tâm khi chuyển đổi số trong thời gian tới, ông Phúc cho rằng đó là: Giáo dục, y tế, nông nghiệp, môi trường, du lịch, thanh toán-ngân hàng, đô thị thông minh. Theo đó, ông Phúc cũng đưa ra nhiều giải pháp thực hiện chuyển đổi số như: Tăng cường tuyên truyền; xây dựng hạ tầng số đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số; đảm bảo an toàn thông tin cho chuyển đổi số; sẵn sàng nhân lực số và môi trường pháp lý trong chuyển đổi số.
Ông Trương Đức Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ Trí Nam và ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền thông số Việt Nam thống nhất: Doanh nghiệp cần có mục tiêu và tầm nhìn chiến lược; cần xây dựng đồng bộ hệ thống nhân lực; có kế hoạch kinh doanh, tổ chức thực hiện với lộ trình cụ thể. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là con người. Bên cạnh đó, cũng cần sớm có khung pháp lý, có chính sách, lộ trình phù hợp ở tầm vĩ mô để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuyển đối số.
Còn Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội, Nguyễn Xuân Quang nhấn mạnh: Hà Nội đang nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức trong chuyển đổi số về hạ tầng, cơ sở dữ liệu, công nghệ… phấn đấu tới năm 2020, tiếp tục xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4; hoàn thành các hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi... và kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia. Hà Nội đã xây dựng chiến lược, lộ trình xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng hình thành Trung tâm điều hành thông minh, khai thác một số thành phần cơ bản của hạ tầng giao thông và du lịch thông minh; nghiên cứu, triển khai một số thành phần cơ bản trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, điện năng, môi trường, nông nghiệp thông minh.