Thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các đơn vị triển khai các dự án, đề tài. Nhờ đó, đã tạo điều kiện giúp các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tự tin phát triển ý tưởng, mô hình sản xuất kinh doanh mới, đem lại hiệu quả.
Một trong những hoạt động nổi bật trong hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh là tổ chức các cuộc thi nhằm tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Từ các ý tưởng đoạt giải, nhiều tài sản trí tuệ đã được bảo hộ thành công (1 bằng độc quyền sáng chế; 1 bằng độc quyền giải pháp hữu ích), trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) còn phối hợp với các đơn vị hữu quan tổ chức các hội thảo, diễn đàn nhằm nâng cao năng lực quản lý, hỗ trợ phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho các tổ chức, cá nhân như: Phối hợp với Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) tổ chức Hội thảo liên kết vùng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khu vực trung du miền núi phía Bắc.
Đơn vị cũng đã phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Hội thảo “Sở hữu trí tuệ trong hoạt động khởi nghiệp”; phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Hội thảo hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Hội thảo phân tích thực trạng - nhu cầu của các đối tượng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Hội thảo khởi nghiệp trên Thủ đô kháng chiến… Đồng thời, tổ chức các lớp đào tạo cung cấp kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho các tổ chức, cá nhân: phối hợp với Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức tập huấn “Khởi nghiệp thông minh”…
Thực tế cũng cho thấy, các chương trình hỗ trợ đã khuyến khích nhiều tổ chức, cá nhân đưa ra những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo. Điển hình như công trình nghiên cứu sản xuất Gel bôi nhiệt miệng Vimigel từ dược liệu Pác Lừ (Ligustrum sp) của nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên) đoạt giải Nhất và ý tưởng phát triển sản phẩm Trà hòa tan từ cây mướp đắng rừng trong hỗ trợ và phòng bệnh tiểu đường, của nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên) đã đoạt giải Nhì tại Chung kết “Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh Thái Nguyên năm 2020.
Chị Nông Thị Anh Thư, Trưởng nhóm nghiên cứu sản xuất Gel bôi nhiệt miệng Vimigel từ dược liệu Pác Lừ chia sẻ: Từ thành công trong đề tài chiết xuất, bào chế sản phẩm thành dạng Gel bôi nhiệt miệng an toàn từ cây Pác Lừ, khi đến với cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chúng tôi còn muốn phát triển, thương mại hóa sản phẩm và đang được hỗ trợ tích cực để triển khai ý tưởng này.
Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở KH&CN cho hay: Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một hệ thống các trụ cột liên quan lẫn nhau, bao gồm các thực thể cộng sinh, chia sẻ và bổ sung cho nhau, tạo nên một môi trường thuận lợi thúc đẩy sự hình thành nên các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và tăng trưởng nhanh.
Theo đó, hệ sinh thái khởi nghiệp bao gồm các thành tố, như: Thị trường; nguồn nhân lực; nguồn vốn và tài chính; hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp (trung tâm ươm tạo, hỗ trợ công nghệ…); khung pháp lý và cơ sở hạ tầng; giáo dục và đào tạo; các trường đại học, trung tâm nghiên cứu. Thái Nguyên là một địa phương hội tụ đầy đủ các thành tố trên, tuy đã có kết quả bước đầu trong hoạt động này, song hiện tại sự gắn kết giữa các thành tố còn rời rạc, chưa tạo được sự liên kết mạnh mẽ trong thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp.
Chính vì vậy, trong thời gian tới Sở KH&CN sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan để triển khai các hoạt động nhằm gắn kết các thành tố trong hệ sinh thái, đẩy mạnh hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó, ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp số, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất.