Ảnh hưởng bất ngờ của Sao Hỏa đối với đại dương trên Trái Đất

Theo baotintuc.vn 15:02, 14/03/2024

Theo nghiên cứu mới, mặc dù Sao Hỏa có thể cách Trái Đất đến khoảng 225 triệu km, nhưng hành tinh này lại đang ảnh hưởng đến khí hậu nơi loài người sinh sống.

Sao Hỏa. Ảnh: NASA
Sao Hỏa. Ảnh: NASA

Theo nghiên cứu được công bố hôm 12/3 trên tạp chí Nature Communications, bằng chứng địa chất có từ hơn 65 triệu năm trước và được lấy từ hàng trăm địa điểm trên khắp thế giới cho thấy các dòng hải lưu dưới biển sâu đã nhiều lần trải qua các thời kỳ mạnh lên hoặc yếu đi. Điều này xảy ra cứ 2,4 triệu năm một lần và được gọi là "chu kỳ lớn thiên văn".

Các dòng chảy mạnh hơn, được gọi là xoáy nước khổng lồ hay dòng xoáy, có thể chạm tới đáy biển sâu nhất được gọi là vực thẳm dưới đại dương. Những dòng chảy mạnh này sau đó sẽ xói mòn những mảng trầm tích lớn tích tụ trong khoảng thời gian ổn định hơn trong chu kỳ. Nghiên cứu cũng cho thấy những chu kỳ này trùng với thời điểm xảy ra các tương tác hấp dẫn giữa Trái Đất và Sao Hỏa khi hai hành tinh này quay quanh Mặt Trời.

Đồng tác giả nghiên cứu, Giáo sư địa vật lý Dietmar Müller cho biết: "Trường hấp dẫn của các hành tinh trong hệ Mặt Trời giao thoa với nhau và sự tương tác này được gọi là cộng hưởng, làm thay đổi độ lệch tâm của hành tinh và quỹ đạo của chúng".

Do sự cộng hưởng này, Trái Đất bị kéo lại gần Mặt Trời hơn một chút bởi lực hấp dẫn của Sao Hỏa, nghĩa là hành tinh của chúng ta tiếp xúc với nhiều bức xạ Mặt Trời hơn nên sẽ có khí hậu ấm hơn, trước khi trôi ngược trở lại vào 2,4 triệu năm sau.

Các tác giả của nghiên cứu mới đã sử dụng dữ liệu vệ tinh để lập bản đồ về sự tích tụ trầm tích dưới đáy đại dương trong hàng chục triệu năm. Họ phát hiện ra rằng có những khoảng trống trong hồ sơ địa chất, nơi trầm tích ngừng tích tụ trong các chu kỳ thiên văn này. Họ tin rằng điều này có thể liên quan đến các dòng hải lưu mạnh hơn, vì thời tiết ấm hơn do ảnh hưởng từ lực hấp dẫn của Sao Hỏa lên Trái Đất.

Những phát hiện này ủng hộ ý kiến cho mặc dù ở xa cách hàng trăm triệu năm, Sao Hỏa vẫn ảnh hưởng đến khí hậu trên Trái Đất. Tuy nhiên, các tác giả cũng nhấn mạnh trong tuyên bố, hiệu ứng nóng lên quan sát được này không liên quan đến hiện tượng nóng lên toàn cầu do việc thải khí nhà kính mà con người gây ra.

Mặc dù chỉ mang tính suy đoán ở giai đoạn này, các phát hiện cho thấy chu kỳ nói trên có thể giúp duy trì định kỳ một số dòng hải lưu sâu trong đại dương, trong trường hợp hiện tượng nóng lên toàn cầu làm chúng suy giảm.

Giáo sư Müller cho biết: "Chúng tôi biết có ít nhất hai cơ chế riêng biệt góp phần tạo nên sức mạnh của sự hòa trộn dòng nước sâu trong đại dương". Ông nói một trong những cơ chế này được gọi là Vòng tuần hoàn kinh tuyến Đại Tây Dương (AMOC) - hệ thống dòng chảy chính ở Nam và Bắc Đại Tây Dương và đóng vai trò quan trọng trong hệ thống khí hậu. Nó hoạt động như một "băng chuyền" dưới đại dương, mang nước ấm từ vùng nhiệt đới đến Bắc bán cầu.

Adriana Dutkiewicz, tác giả chính của nghiên cứu và là nhà nghiên cứu trầm tích tại Đại học Sydney nói: "Dữ liệu biển sâu trong 65 triệu năm mà chúng tôi có được cho thấy các đại dương ấm hơn có sự lưu thông mạnh mẽ hơn ở tầng sâu, giúp đại dương không bị ứ đọng ngay cả khi vòng tuần hoàn kinh tuyến Đại Tây Dương chậm lại hoặc dừng hoàn toàn".

 



Cách xem bản đồ sao hôm nay