Chụp ảnh HDR là gì? Mẹo chụp ảnh HDR trên Smartphone

15:18, 12/11/2014

HDR là tính năng chụp ảnh được tích hợp vào rất nhiều smartphone, đây là một tính năng rất hữu ích. Bài viết này sẽ chia sẻ một số kiến thức nhỏ về HDR, hi vọng mọi người sẽ sử dụng tính năng này thật hữu ích để có được những bức ảnh chất lượng hơn.


HDR là gì?
 

HDR là viết tắt của High Dynamic Range (tạm dịch là dải tương phản động mở rộng). Với những ai dùng máy ảnh DSLR và thích chơi ảnh thì có lẽ không còn lạ gì với khái niệm này. Dynamic Range là khái niệm dùng để chỉ sự khác biệt cao nhất giữa vùng sáng và vùng tối mà các thiết bị có thể ghi nhận hoặc thể hiện lại. Dynamic Range của máy ảnh số, màn hình, của máy in… là khác nhau.

HDR trên máy ảnh chuyên nghiệp là một khái niệm cao hơn, kết quả là cho ra những tấm hình nghệ thuật và rất khác thường. Thông thường, để có được một tấm hình HDR, người chụp cần tới nhiều hơn 2, 3 tấm hình với các giá trị phơi sáng (EV) khác nhau. Đó có thể là 3 tấm, 5 tấm thậm chí là 9 tấm với độ sáng khác nhau (quá thừa sáng, thừa sáng, bình thường, thiếu sáng và quá thiếu sáng) và ghép lại để được một hình HDR.

HDR trên smartphone?
 

[​IMG]


Còn trên smartphone, về cơ bản HDR vẫn là chụp các hình ảnh ở những độ sáng khác nhau và gộp lại nhưng với mục đích chỉ là cân bằng ánh sáng để hình không bị quá tối khi chụp ngược sáng và tăng cường chi tiết trên đối tượng. Quá trình này được thực hiện hoàn toàn tự động, điện thoại sẽ chụp hình, ghép và xử lý chúng để cho ra một hình HDR.

Khi nào thì nên sử dụng HDR?
 


HDR là một tính năng tiện dụng, tuy nhiên chúng ta không nên quá lạm dụng tính năng này mà phải biết chọn thời điểm phù hợp để sử dụng HDR.

Dưới đây là một số tình huống cần đến tính năng HDR và có thể sử dụng để có chất lượng ảnh tốt hơn:

 

+ Chụp ảnh chân dung dưới ánh sáng mặt trời hoặc với nền sáng: Chụp chân dung với một nền sáng khiến cho hình ảnh làm nền thì quá chói trong khi chủ thể thì bị tối và mờ. Để khắc phục vấn đề này, việc sử dụng HDR giúp làm dịu và cân bằng hậu cảnh cũng như tiền cảnh, giúp hình ảnh trở nên hài hòa hơn.

 

+ Chụp phong cảnh: Kích hoạt chế độ HDR để chụp lại các quang cảnh rộng lớn (trong một chuyến du lịch chẳng hạn) thường là mang lại hiệu ứng rất tốt, đặc biệt là khi bầu trời quá sáng và đối tượng có tiền cảnh bị tối. Trong hoàn cảnh như vậy, HDR sẽ giúp đỡ trong việc nắm bắt các chi tiết phong phú từ cả tiền cảnh và hậu cảnh.

 

+ Khắc phục các cảnh ánh sáng thấp: HDR có thể giúp làm tăng độ sáng của hình ảnh chụp trong điều kiện ánh sáng thấp.

 

+ Chụp cảnh các cảnh mờ ảo: Bạn cũng có thể sử dụng HDR khi bạn muốn chụp lại các cảnh mờ ảo như hình ảnh của một ngọn nến hoặc đèn chiếu sáng trên đường phố.

 

Khi nào thì nên tránh sử dụng HDR?
 


Bật chế độ HDR có thể giúp thuận lợi trong một số tình huống nhất định, nhưng có nhiều trường hợp sử dụng HDR sẽ phản tác dụng và làm hình ảnh bị xấu đấy.

Sau đây là một vài trường hợp người dùng nên tránh bật chế độ HDR:

 

+ Chụp ảnh đối tượng đang chuyển động: chế độ HDR phải chụp ba hoặc nhiều hình ảnh liên tiếp và kết hợp chúng thành một hình ảnh tổng hợp. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng đối tượng không di chuyển, hoặc giảm thiểu chuyển động trong khi chụp ảnh như vậy thì bức ảnh mới đẹp như ý. Còn nếu muốn chụp đối tượng đang chuyển động thì chúng ta nên tắt chế độ HDR đi.

 

+ Chụp lại bức ảnh với màu sắc thực tế nhất: chúng ta sử dụng HDR để tăng cường các chi tiết của ảnh, tuy nhiên có thể làm thay đổi màu sắc "chuẩn" của bức ảnh. Vì thế, nên tắt HDR nếu bạn muốn chụp lại màu sắc thực tế của bầu trời màu xanh hoặc một bông hồng đỏ v.v

 

+ Khi chụp thiếu sáng nên cân nhắc giữa HDR và đèn Flash: Một số thiết bị vô hiệu hóa đèn flash khi được kích hoạt HDR ví dụ là iPhone. Nhưng một số thiết bị khác lại cho phép sử dụng đồng thời cả đèn flash và HDR. Điều này là không nên vì có thể làm ảnh bị thừa sáng cho nên chúng ta nên tắt HDR để sử dụng flash hoặc tắt đèn flash để sử dụng HDR.


Làm thế nào để có được một bức ảnh HDR như ý với chiếc iPhone?
 


Tránh để rung iPhone, tập trung cao độ vào đối tượng

Trước hết, kích hoạt tính năng chụp ảnh này trên iPhone bằng cách bấm vào nút HDR. Tín hiệu sẽ hiển thị trên màn hình chụp ảnh. Nhìn chung, chụp ảnh HDR trên iPhone cũng không khác gì khi thực hiện trên các smartphone khác.

Ở chế độ HDR, iPhone 4 sẽ chụp 3 mức phơi sáng để tập hợp lại thành một bức ảnh gồm: “chụp non”, bình thường và để lâu. Quá trình chụp chuỗi ảnh diễn ra rất nhanh, nhưng không phải diễn ra đồng thời. Do đó, nếu bạn làm điện thoại động đậy, hoặc đối tượng dịch chuyển, rất khó để bạn có thể chụp được hình HDR kết quả tốt, khi thiết bị sẽ trộn các ảnh đã ghi lại với nhau.

iPhone không có được các tính năng, phụ kiện như các máy chụp ảnh kĩ thuật số chuyên dụng, nhất là tripod (chân) để giữ thăng bằng cho thiết bị. Do đó, chỉ có một cách là bạn phải giữ cho chiếc iPhone khỏi cựa quậy nhờ vào sự kiên trì của mình.

iPhone trộn 3 bức ảnh ghi được vào một bức ảnh duy nhất, do đó, bạn hãy tập trung chọn đối tượng thật tốt. Đây là nền tảng để giúp kết quả ảnh cuối cùng có được độ sắc nét cao.

Một vài lưu ý:
 


Yếu tố chủ chốt để chụp được một bức ảnh HDR thành công là bạn phải đảm bảo tìm được dải biên độ động của ánh sáng, càng dài càng tốt, ở tại ngay điểm đầu tiên lấy hình. Nói cách khác, tìm những cảnh chụp có sự tương phản tối sáng cao.

Bức ảnh HDR sẽ ghép 3 ảnh gốc có 3 độ phơi sáng khác nhau. Thực tế thử nghiệm với iPhone cho thấy, khả năng ghi hình sắc nét, hoà phối ánh sáng và tông màu tương phản đẹp mắt của thiết bị đã cho ra những bức ảnh HDR tương đối chất lượng. Tuy nhiên, vẫn chưa thể đạt đến đẳng cấp của các máy ảnh chuyên dụng.

Có một điểm thú vị là tính năng HDR của iPhone vẫn giữ nguyên bức ảnh gốc cùng với ảnh HDR đã trộn các dải bước sáng động. Người dùng không cần phải tốn công thử nghiệm, nếu cần có thể xoá nếu bức ảnh HDR không đẹp bằng ảnh thường.