Thông tin đi trước

Quốc Tuân 14:24, 15/09/2022

Thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (viết tắt là Đề án 06), ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) có nhiệm vụ rất quan trọng: Đi trước cả về công tác tuyên truyền và bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin. Với Thái Nguyên, Sở TT&TT đã thực hiện tốt nhiệm vụ này, thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong triển khai Đề án.

Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông trực tiếp đến hỗ trợ cán bộ xã Thành Công (TP. Phổ Yên) thực hiện thí điểm nhập dữ liệu hộ tịch trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông trực tiếp đến hỗ trợ cán bộ xã Thành Công (TP. Phổ Yên) thực hiện thí điểm nhập dữ liệu hộ tịch trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thái Nguyên là 1 trong 4 tỉnh, thành phố trên cả nước thực hiện điểm Đề án 06, nên “Ngày làm không hết thì làm cả đêm; ngày hành chính chưa xong thì làm cả thứ Bảy, Chủ nhật” đã trở thành phương châm làm việc của các cán bộ, nhân viên Sở TT&TT. Hình ảnh cán bộ Sở “4T” phối hợp cùng lực lượng Công an bàn giao máy tính trong đêm, trực tuyến hàng giờ để trợ giúp kỹ thuật tại cơ sở đã trở nên quen thuộc. Thành viên nhiều tổ công nghệ cộng đồng tại các xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh cũng "nhớ mặt, quen giọng" của không ít cán bộ ngành TT&TT.

Chủ tịch UBND xã Thành Công (TP. Phổ Yên) Đặng Văn Tỵ chia sẻ: Là 1 trong 4 đơn vị cấp xã trên địa bàn tỉnh thực hiện thí điểm số hóa dữ liệu hộ tịch trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, công việc của chúng tôi nhiều như “núi”. Phải nói thật, lúc đầu có không ít khó khăn, bỡ ngỡ, vướng mắc, nhưng nhờ có sự trợ giúp của lực lượng Công an, cán bộ Sở TT&TT, các sở, ngành liên quan, công việc dần trở nên thuận lợi, đơn giản. Đến nay, xã đã hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch, việc triển khai thực hiện Đề án 06 đạt kết quả cao.

Nhắc đến quá trình triển khai Đề án 06, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đào Ngọc Tuất nhấn mạnh: Ngay sau khi có kế hoạch của tỉnh, Sở TT&TT đã phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai nhiệm vụ được giao, chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn các địa phương, đơn vị. Khối lượng công việc rất lớn, Sở đã phối hợp với các đơn vị, địa phương thực hiện các nhiệm vụ: Kiểm tra, bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin; số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); kết nối, tích hợp, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; quản lý và cấp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; triển khai cung cấp tích hợp 25 dịch vụ công thiết yếu lên Cổng dịch vụ công quốc gia; hướng dẫn kỹ thuật triển khai Đề án 06 phiên bản 1.0; số hóa dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh…

Thực hiện các nhiệm vụ được giao, đến nay Sở TT&TT đã đạt được nhiều kết quả khả quan, đáng nói nhất là phối hợp nâng cấp hệ thống máy chủ, kiểm tra và vá lỗi để bảo đảm an toàn thông tin về cơ sở dữ liệu dân cư ở mức độ cao nhất - mức độ 5; nâng cấp cổng dịch vụ công và một cửa điện tử…

Sở TT&TT chủ trì đăng ký thử nghiệm kết nối và sử dụng 3 dịch vụ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, gồm: Xác định số định danh cá nhân và chứng minh nhân dân phục vụ việc xác thực thông tin cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia; xác thực thông tin hộ gia đình; tra cứu thông tin công dân. Hiện nay, hệ thống đã thông về kỹ thuật trên môi trường thử nghiệm kết nối.

Nói về việc bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin, an toàn thông tin, các cán bộ ngành TT&TT có thể ví như “những chiến sĩ thầm lặng”. Anh Đỗ Hoàng Thái, Trưởng phòng Công nghệ Thông tin (Sở TT&TT) tâm sự: Khó nói hết công việc của dân IT chúng tôi vì không biết diễn tả thế nào và vì cả tính bảo mật cao của công việc. Chúng tôi chỉ biết rằng trách nhiệm của mình là phải làm việc bất kể ngày đêm để hệ thống thông tin thông suốt, an toàn.

Đối với công tác tuyên truyền về Đề án 06, Sở TT&TT đã phối hợp với các địa phương thực hiện sâu rộng, “đi trước một bước”. Không chỉ tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông, 2.255 tổ công nghệ số cộng đồng với tổng số gần 15.000 thành viên trên địa bàn tỉnh cũng trở thành “những cánh tay nối dài” của ngành TT&TT, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân, giúp người dân tiếp cận và vận hành thích ứng với môi trường số.

Các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh cũng không đứng ngoài cuộc. Sở TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông mở tối đa dung lượng băng thông, cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi, phối hợp nhằm bảo đảm chất lượng đường truyền Internet thông suốt trong quá trình triển khai.

Giám đốc Sở TT&TT Đỗ Xuân Hòa khẳng định: Đề án 06 có thể coi là một trong những dự án công nghệ thông tin lớn nhất từ trước đến nay, có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia, mang lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài. Cùng với toàn tỉnh, Sở TT&TT xác định luôn “căng mình”, dốc sức, khắc phục khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian tới…

Một số kết quả tỉnh Thái Nguyên đạt được trong thực hiện Đề án 06:
* Từ 01/6/2022, 100% hồ sơ TTHC phát sinh tại cấp tỉnh được số hóa.
* Từ 01/8/2022, 100% hồ sơ TTHC phát sinh tại cấp huyện được số hóa.
* Cấp mới, sửa đổi thông tin đạt 6.150 chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cho các đơn vị, địa phương; bảo đảm trang bị 100% chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cho cán bộ một cửa và cán bộ tham gia giải quyết TTHC.
* Triển khai cung cấp tích hợp 25 dịch vụ công thiết yếu lên Cổng dịch vụ công quốc gia.