Tích hợp cơ sở dữ liệu tạo nền tảng chuyển đổi số

Thu Hà 08:08, 08/02/2023

Tích hợp cơ sở dữ liệu trên môi trường số giúp công tác quản lý, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương được thuận lợi, nhanh chóng, tiết kiệm, tạo nền tảng cho công tác chuyển đổi số. Cơ sở dữ liệu tích hợp cũng giúp người dân được hưởng lợi trực tiếp qua việc giản lược, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính để tiếp cận với dịch vụ công, dịch vụ an sinh xã hội…

Cán bộ Trung tâm CNTT và Truyền thông thuộc Sở Thông tin và Truyền thông sử dụng cơ sở dữ liệu tích hợp quản lý, vận hành Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh.
Cán bộ Trung tâm CNTT và Truyền thông thuộc Sở Thông tin và Truyền thông sử dụng cơ sở dữ liệu tích hợp quản lý, vận hành Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh.

Thay vì dùng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), căn cước công dân và sổ khám chữa bệnh như trước kia, lần khám bệnh mới đây, anh Nguyễn Tùng, công nhân Chi nhánh May Việt Thái (Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG), chỉ cần mang điện thoại thông minh có cài sẵn ứng dụng VssID - Bảo hiểm Xã hội số.

Qua ứng dụng này, anh Tùng và nhân viên y tế có thể tra cứu tất cả dữ liệu cá nhân về thẻ BHYT, mức hưởng BHYT, quá trình tham gia cũng như lịch sử khám chữa bệnh và các thông tin sức khỏe khác. Từ đó giúp cho nhân viên y tế thuận tiện trong việc khám, chữa bệnh cho anh. 

Anh Tùng cho biết: Ứng dụng này không những thuận tiện khi đi khám, chữa bệnh mà còn giúp tôi kiểm soát được thông tin về sức khỏe, lịch sử khám chữa bệnh của mình.

VssID được triển khai từ năm 2021 là ứng dụng tích hợp cơ sở dữ liệu giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh và cơ quan Y tế để giúp người dân được tiếp cận với dữ liệu cá nhân về BHYT, lịch sử khám chữa bệnh.

Ứng dụng cũng giúp người dùng tra cứu thông tin về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và tiếp cận với 7 dịch vụ công trực tuyến của Bảo hiểm xã hội tỉnh.

Theo thống kê, sau gần 2 năm công bố và triển khai, ứng dụng VssID trên thiết bị di động thông minh, toàn tỉnh đã có gần 400 nghìn tài khoản cá nhân cài đặt và sử dụng.

Được biết, cũng trên nền tảng tích hợp dữ liệu số, Bảo hiểm xã hội tỉnh tỉnh cũng đã kết nối thành công với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, liên thông dữ liệu với Bộ Tư pháp để cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi. Qua đó, 100% trẻ em sau khi có giấy khai sinh sẽ có luôn thẻ bảo hiểm y tế nhờ sự kết nối, tích hợp dữ liệu này.

Tương tự các nền tảng trên, sau hơn 2 năm đẩy mạnh chuyển đổi số, toàn tỉnh hiện có nhiều hệ thống kết nối, tích hợp cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho các hệ thống, ứng dụng dùng chung trên địa bàn.

Hiện, Thái Nguyên đã có một hệ thống dùng chung của tỉnh rất căn bản gồm các hệ thống như: Quản lý văn bản, dịch vụ công trực tuyến, mạng truyền số liệu chuyên dùng, cổng thông tin điện tử, hội nghị truyền hình trực tuyến…  

Việc đẩy mạnh tích hợp các dịch vụ công trực tuyến sẽ giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng, thuận tiện hơn với các dịch vụ công, đồng thời giảm lượng người đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận một cửa các địa phương, ban, ngành.
Việc đẩy mạnh tích hợp các dịch vụ công trực tuyến sẽ giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng, thuận tiện hơn với các dịch vụ công, đồng thời giảm lượng người đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận một cửa các địa phương, ban, ngành.

Các hệ thống dùng chung phần lớn được quản lý, vận hành tại Trung tâm Dữ liệu tỉnh với trang thiết bị được đầu tư hiện đại và được coi như bộ não của hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh, đặt tại Sở Thông tin và Truyền thông, là nơi tập trung các thiết bị công nghệ thông tin và viễn thông chuyên dụng với khả năng lưu trữ dữ liệu lớn, hệ thống bảo mật an toàn dữ liệu, hệ thống phụ trợ, mạng diện rộng, mạng chuyên dùng.

Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông, các nền tảng này vận hành tốt, giúp cho việc quản lý, điều hành của các cấp được thuận lợi, nhanh chóng, tiết kiệm. Đồng thời giúp thay đổi phương thức, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức trên môi trường số và đặc biệt, giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ an sinh xã hội một cách thuận lợi, hiệu quả nhất.

Riêng với dịch vụ công trực tuyến, tính đến hết năm 2022, 100% thủ tục hành chính cấp độ 4 đủ điều kiện trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; tích hợp và cung cấp 1.036 dịch vụ công trực tuyến tỉnh Thái Nguyên lên Cổng dịch vụ công quốc gia để phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Tính đến cuối tháng 12-2022, Cổng dịch vụ công trực  tuyến của tỉnh đã tiếp nhận gần 943 nghìn hồ sơ, xử lý trên 928 nghìn hồ sơ với tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99,63%; 90% tổng số hồ sơ công việc tại cấp tỉnh được xử lý trên môi trường mạng. Với thủ tục hành chính mức độ 4, tỷ lệ hồ sơ được giải quyết trực tuyến đạt tới 76,43%...

Cũng trong năm 2022, việc xây dựng, vận hành các cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho chuyển đổi số được triển khai đạt hiệu quả cao. 100% địa phương trong tỉnh hoàn thành nhập liệu dữ liệu hộ tịch, thực hiện tích hợp, kết nối phần mềm một cửa tỉnh với Hệ thống quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp; Hệ thống Quản lý văn bản đi đến và điều hành tỉnh Thái Nguyên nhận/gửi trên 2 triệu văn bản điện tử giữa hơn 1.877 đơn vị; tỷ lệ các tổ chức và cá nhân trong tỉnh thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc đạt trên 90%...

Ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, nhấn mạnh: Cơ sở dữ liệu được ví như “trái tim” của chuyển đổi số. Tuy nhiên, hiện nay cơ sở dữ liệu của nhiều ngành, đơn vị, địa phương lưu trữ phân tán, chưa được kết nối, tích hợp. Trong năm 2023 này, ngành Thông tin và truyền thông sẽ tăng cường tham mưu, triển khai công tác xây dựng, tích hợp cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh với mục tiêu tạo lập và khai thác tối ưu dữ liệu hiện có để tạo ra giá trị mới, phục vụ ngày càng tốt hơn người dân và doanh nghiệp trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.