Cùng với xu thế chung của thế giới, sự phát triển của nền kinh tế số tại Việt Nam mở ra nhiều cơ hội đẩy mạnh giao dịch điện tử nhưng cũng đặt ra không ít thách thức. Việc Quốc hội vừa thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) với các quy định cụ thể và thống nhất giúp tăng cường tính bảo mật, đảm bảo an toàn thông tin cho các cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân.
Các loại hình giao dịch điện tử được thực hiện phổ biến trong cơ quan hành chính và dịch vụ hành chính công, thương mại điện tử, tài chính, ngân hàng…
Trong giao dịch điện tử, dữ liệu là yếu tố quan trọng nhất, bao gồm việc quy định quyền và nghĩa vụ của người tạo ra dữ liệu, các quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng dữ liệu.
Nước ta đã có một số văn bản quy phạm pháp luật quy định về bảo vệ thông tin cá nhân như Luật An toàn thông tin mạng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và một số luật chuyên ngành khác, nhưng nhìn chung chưa cụ thể và xác thực với hoạt động giao dịch điện tử.
Thực tế cho thấy, có rất nhiều trường hợp bị lộ, lọt thông tin trên mạng Internet, là điều kiện cho kẻ gian thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Những đòi hỏi của “cuộc sống số” đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Theo đó, Luật có nhiều điểm mới như chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu; giá trị pháp lý của chứng thư điện tử; chuyển nhượng chứng thư điện tử; bổ sung quy định về cơ sở dữ liệu, việc chia sẻ, kết nối dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước.
Để bảo đảm độ tin cậy, minh bạch của giao dịch điện tử, Luật cũng quy định cụ thể về định danh và xác thực điện tử; quy định rõ ràng, phân biệt các khái niệm thông điệp dữ liệu, thông điệp dữ liệu an toàn, chữ ký điện tử, chữ ký điện tử an toàn.
Các hành vi bị cấm bao gồm: Thu thập, cung cấp, sử dụng, tiết lộ, hiển thị, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông điệp dữ liệu; giả mạo, sao chép, làm sai lệch, di chuyển trái pháp luật một phần hoặc toàn bộ thông điệp dữ liệu. Gian lận, giả mạo, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái pháp luật tài khoản giao dịch điện tử, chứng thư điện tử, chứng thư chữ ký điện tử, chữ ký điện tử…
Theo Luật, cơ quan nhà nước phải bảo đảm kết quả giải quyết thủ tục hành chính hoặc kết quả hoạt động công vụ khác không thuộc phạm vi bí mật Nhà nước đều có văn bản điện tử có giá trị pháp lý như văn bản giấy, có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh.
Các lĩnh vực hoạt động ưu tiên thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử bao gồm: Cung cấp dịch vụ công; công tác quản trị nội bộ; chỉ đạo, điều hành; giám sát, kiểm tra, thanh tra.
Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Điều này góp phần tạo bước đột phá thúc đẩy nhanh hơn nữa công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin