Ứng dụng công nghệ thông tin đang được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu để lưu trữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích trong giai đoạn hiện nay. Chính vì vậy, việc số hóa các điểm di tích lịch sử, văn hóa cũng đã, đang được huyện Đại Từ triển khai nhằm đem đến những thay đổi tích cực trong quảng bá di tích.
Du khách tham quan Di tích Địa điểm Lễ nhận Quốc thư đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ở xã Tiên Hội. |
Lần đầu tham gia chuyến tham quan cùng các bạn tại di tích Địa điểm Lễ nhận Quốc thư đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (1/9/1954) tại xã Tiên Hội, em Nguyễn Ngọc Ánh, sinh viên Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên), tỏ ra thích thú, bất ngờ khi toàn bộ Di tích cùng cảnh quan xung quanh y như hình dung của mình trước khi đến đây.
Ngọc Ánh cho biết: Em có thói quen hay tìm hiểu trước về về khu vực, địa điểm nơi mình chuẩn bị đến tham quan, du lịch. Lần này cũng vậy, khi gõ đầy đủ tên của Di tích, em nhận được kết quả số hóa về Di tích tại Cổng thông tin điện tử huyện Đại Từ. Toàn bộ hình ảnh toàn cảnh (panorama), hình ảnh 360 độ theo công nghệ thực tế ảo giúp em cảm nhận như đang được trải nghiệm thực tế tại đây. Từng lối đi, bậc thềm, tán cây, ngọn cỏ, mái lá… đều rất sống động. Đặc biệt, các thông tin về Di tích đều được thể hiện rất rõ ràng qua thuyết minh bằng giọng nói và chữ viết, từ đường đi đến; sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm; khảo tả di tích cho tới giá trị lịch sử, văn hóa...
Là vùng đất chiến khu xưa, nhân dân và chính quyền huyện Đại Từ luôn tự hào khi những dấu ấn lịch sử hiện còn được bảo tồn, lưu giữ tại 169 điểm di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng. Trong đó, 9 điểm di tích đã được công nhận là Di tích quốc gia, 41 di tích được công nhận cấp tỉnh.
Hiện nay, ngoài Di tích Địa điểm Lễ nhận Quốc thư đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1954, huyện đã thực hiện số hóa 3D 8 điểm di tích lịch sử, văn hóa, 1 điểm danh thắng và đăng tải dữ liệu lên Cổng thông tin điện tử huyện (https://daitu.thainguyen.gov.vn/) để quảng bá, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, cho hay: Đại Từ có địa bàn rộng, nhiều đơn vị hành chính, các điểm di tích cũng không tập trung. Do vậy, với nhiều du khách, đặc biệt là du khách ngoài huyện, ngoài tỉnh, việc xác định được đường đi đến các điểm du lịch hay những thông tin liên quan đến di tích không dễ. Hiểu được điều đó, từ năm 2021, chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị truyền thông trong và ngoài tỉnh để số hóa các di tích. Căn cứ vào hồ sơ khoa học của di tích, kiểm kê các hạng mục, hiện vật, chúng tôi xây dựng kịch bản thuyết minh, thu âm nội dung, chụp hình ảnh và chuyển thành dữ liệu số.
Bước đầu, các di tích được lựa chọn số hóa đều là những di tích, danh thắng có giá trị tiêu biểu của địa phương, hình thành cơ sở vật chất đầy đủ, có khả năng thu hút, hấp dẫn du khách.
Bên cạnh phối hợp với cơ quan chuyên môn trong việc số hóa các di tích, thực hiện chủ đề “Tuổi trẻ Đại Từ tiên phong chuyển đổi số”, thời gian qua, Huyện đoàn Đại Từ đã ứng dụng công nghệ QR code (mã vạch hai chiều) trên 10 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng trên địa bàn.
Công trình thanh niên Số hoá Di tích Núi Văn - Núi Võ được đặt tại khuôn viên Di tích. |
Chị Hoàng Thị Phương, Phó Bí thư Huyện đoàn Đại Từ, cho biết: Các công trình đều do đoàn viên thanh niên các xã, thị trấn tìm hiểu, lựa chọn triển khai và gửi tặng địa phương để đặt tại khuôn viên di tích. Khách tham quan chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh, đặt trước bảng chỉ dẫn đã cài mã QR, hệ thống sẽ tự động đăng nhập và chuyển tới điện thoại du khách thông tin cơ bản về di tích đó. Đây cũng là dịp để các đoàn viên thanh niên có thêm cơ hội tìm hiểu sâu hơn về các di tích, cũng như giới thiệu di tích đến đông đảo người dân…
Thực tế cho thấy, các di tích ở dạng số hóa được quảng bá rất nhanh chóng thông qua mạng Internet, không bị giới hạn về thời gian, địa điểm,… Qua đó kết nối các thế hệ trong việc bảo tồn, lưu giữ di tích của cha ông gắn với phát triển kinh tế từ du lịch và giáo dục truyền thống cách mạng.
Căn cứ vào hình ảnh 360 độ theo công nghệ thực tế ảo, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, việc phục dựng lại chính xác các di tích trong trường hợp tác động của thiên tai, thời tiết khiến di tích bị hư hại cũng trở nên dễ dàng hơn…
Thực hiện Đề án hỗ trợ hoạt động quản lý và đầu tư bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025; Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện Đại Từ, địa phương phấn đấu đến năm 2025 có 25 di tích được số hóa, đồng thời số hóa dữ liệu các điểm tham quan, trải nghiệm tại các điểm du lịch cộng đồng ở xã Hoàng Nông, La Bằng sau khi được tỉnh công nhận…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin