''Liệu cơm gắp mắm''

10:23, 11/05/2008

Mặc dù Thái Nguyên có tới 42 điểm mỏ chì, kẽm trên địa bàn, nhưng qua điều tra thăm dò, tổng trữ lượng chỉ đạt khoảng một triệu tấn. Về lâu dài, nhiều khả năng chúng ta phải nhập quặng chì, kẽm nguyên khai từ bên ngoài mới có thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp.

Trong số 42 điểm mỏ chì kẽm thì mới có 8 điểm mỏ được thăm dò, 3 điểm đã có đánh giá chi tiết, còn lại đều chưa điều tra hoặc điều tra ở mức độ khảo sát. Tuy vậy, theo đánh giá chuyên môn thì trữ lượng quặng chì kẽm ở Thái Nguyên không lớn, hầu hết các mỏ đều nằm phân tán; chất lượng quặng ở dạng trung bình và thấp, chủ yếu là quặng sunphua. Có 3 mỏ chì kẽm lớn đang được khai thác là: Mỏ Làng Hích (khoảng 680 nghìn tấn), mỏ Cúc Đường (khoảng 500 nghìn tấn) và mỏ Bản Tèn (trên 200 nghìn tấn).

Các doanh nghiệp hiện đang khai thác và chế biến chì kẽm quy mô lớn gồm: Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Kim loại mầu Thái Nguyên với dây chuyền kẽm điện phân tại Khu công nghiệp Sông Công, công suất 10 nghìn tấn sản phẩm/năm, dây chuyền chế biến quặng chì, công suất 20 nghìn tấn quặng nguyên khai/năm; Công ty liên doanh Kim loại mầu Việt Bắc với dây chuyền sản xuất kẽm tại Khu công nghiệp Điềm Thuỵ- Phú Bình, công suất 10 nghìn tấn sản phẩm/năm; Công ty TNHH xây dựng và phát triển nông thôn miền núi khai thác tại mỏ Bản Tèn, đang đầu tư lắp đặt dây chuyền chế biến sâu với công suất cũng gần 10 nghìn tấn/năm; HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công cũng đang đầu tư dây chuyền chế biến quặng chì, kẽm, công suất không dưới 10 nghìn tấn sản phẩm/năm.

Với các dây chuyền chế biến chì, kẽm công suất lớn như trên, dự tính mỗi năm sẽ cần khoảng 300 nghìn tấn quặng chì, kẽm nguyên khai. Do vậy, về lâu dài việc xác định phải nhập nguồn nguyên liệu từ tỉnh ngoài là không thể tránh khỏi. Được biết, Bắc Kạn là một trong những địa phương có mỏ chì, kẽm lớn của khu vực miền núi phía Bắc, có thể là vùng nguyên liệu tiềm năng cho chúng ta. Tuy nhiên, đã 4 năm nay, tỉnh này có lệnh cấm vận chuyển quặng chì, kẽm thô ra tỉnh ngoài. Sắp tới, Bắc Kạn còn cấm luôn cả việc chuyển tinh quặng và bột ô xít kẽm ra bên ngoài. Các tỉnh có quặng chì, kẽm khác trong khu vực cũng đang kiện toàn các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, tiến tới chế biến sâu tại địa phương nên việc xuất quặng thô ra ngoài tỉnh sẽ dần hạn chế...

Mới đây, trong phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh, Sở Công thương đã trình thông qua Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng chì, kẽm trên địa bàn giai đoạn 2008-2015, có xét đến năm 2020, trong đó đề xuất tỉnh có cơ chế ưu tiên các doanh nghiệp đủ điều kiện tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực này. Và thực tế, trong thời điểm hiện nay đang có không ít doanh nghiệp muốn được tỉnh cấp phép xây dựng cơ sở chế biến quặng chì, kẽm. Ý kiến đề xuất của Sở Công thương ngay lập tức bị các đại biểu dự họp phản ứng.

Sau khi phân tích và đánh giá tình hình, đồng chí Phạm Xuân Đương, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: “Tỉnh sẽ không cấp phép thêm cho bất kỳ doanh nghiệp nào tham gia đầu tư chế biến quặng chì, kẽm trên địa bàn. Với những doanh nghiệp đã, đang được cấp mỏ và đầu tư dây chuyền chế biến sẽ tiếp tục hoàn thiện để đi vào sản xuất”. Cùng với đó, các ngành chuyên môn cũng đề xuất trong giai đoạn tới, tỉnh chỉ nên khai thác quặng chì, kẽm nguyên khai ở mức từ 50 nghìn đến 120 nghìn tấn/năm. Như vậy mới có thể đảm bảo tính lâu dài, bền vững và hiệu quả trong khai thác, chế biến, sử dụng nguồn khoáng sản quý hiếm này trên địa bàn.

Vẫn có câu “liệu cơm gắp mắm”. Câu nói này hoàn toàn phù hợp với thực trạng khai thác, chế biến quặng chì, kẽm của tỉnh thời điểm hiện nay. Có thể thấy, nguồn nguyên liệu chì, kẽm của chúng ta còn nghèo, nếu cứ cấp phép khai thác, chế biến tràn lan thì việc tới đây các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này lần lượt phá sản vì thiếu nguyên liệu là không tránh khỏi.