Thấy gì sau 2 năm chè đặc sản Tân Cương được bảo hộ thương hiệu?

10:22, 08/05/2009

Với đặc điểm về hình thái và chất lượng chè Tân Cương có thể dễ dàng nhận biết, sản phẩm chè đặc sản Tân Cương là một lợi thế so sánh của T.P Thái Nguyên mà không một nơi nào trên đất nước này có được. Sau 2 năm được bảo hộ thương hiệu, chè đặc sản Tân Cương đã bộc lộ những mạnh, yếu gì?

 

 Đổi thay vùng chè

 

Từ năm 1986 đến nay, do sự đổi mới cơ chế, sản phẩm chè được tiêu thụ số lượng ngày càng lớn, giá cao và ổn định đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất. Nhiều thói quen, tập quán lạc hậu được thay đổi, thay vào đó là những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, thu nhập của người làm chè được nâng cao rõ rệt. Đặc biệt ngày 20/9/2007, Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 1144/QĐ-SHTT cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý Tân Cương cho sản phẩm chè vùng Tân Cương; tổ chức quản lý là UBND T.P Thái Nguyên; phạm vi bảo hộ: Trên toàn quốc; hiệu lực bảo hộ vô thời hạn. Như vậy, mọi tổ chức, cá nhân sử dụng từ  TÂN CƯƠNG cho sản phẩm của mình mà chưa được sự đồng ý của UBND T.P Thái Nguyên đều là vi phạm luật.

 

Cho đến thời điểm này, trên địa bàn có 1.209 ha chè, trong đó có 1.145 ha chè cho sản phẩm với sản lượng 13.270 tấn chè búp tươi hàng năm đem lại giá trị cho người trồng chè lên tới hàng trăm tỷ đồng. Theo kế hoạch, đến năm 2010, thành phố có 1.300 ha chè đặc sản. Việc chuyển đổi cơ cấu giống chè  đạt bình quân 87,5 ha/năm, trong đó cơ cấu giống nhập nội đạt 25 ha, chiếm 14,3% so với tổng diện tích chè, đã góp phần làm tăng giá trị sản phẩm chè trên một đơn vị diện tích.

 

Năm 2007, sản lượng là 8.150 tấn chè búp tươi, tương đương với 1.630 tấn chè búp khô, tổng giá trị sản phẩm: 73,350 tỷ đồng. Giá trị sản phẩm bình quân 1 ha chè đạt xấp xỉ 62 triệu đồng/năm. Năm 2008: sản lượng: 9.245 tấn chè búp tươi, tương đương với 1.849 tấn chè búp khô, tổng giá trị sản phẩm: 92,45 tỷ đồng. Giá trị sản phẩm bình quân 1 ha chè đạt xấp xỉ 76 triệu đồng /năm.

 

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Chỉ dẫn địa lý Tân Cương, thành phố đã mở rộng diện tích trồng mới, trồng lại chè được 176 ha, bằng 106,6 % kế hoạch năm, chiếm 58,9% kế hoạch Đề án phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương, trong đó diện tích trồng mới bằng 95 ha, diện tích trồng lại 81 ha, cụ thể: giống LDP1 là 50 ha, chiếm 28,4%; giống TRI777 là 101 ha/176ha, chiếm 57,3%; giống chè nhập nội là 25 ha, chiếm 14,3%; diện tích chè kinh doanh tăng 102,5 ha, tăng 11,2%/năm; năng suất chè tăng 1,2 tạ/ha, tăng bình quân 10,1 % /năm; sản lượng chè búp tươi tăng bình quân 547,5 tấn/năm, bằng 11,3% /năm.

 

Các giống chè mới, nhập nội được trồng chủ yếu là giống dùng để chế biến chè xanh, đạt tiêu chuẩn ngành đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là giống Quốc gia và được thị trường chấp nhận giá cao và ổn định. Thành phố tăng cường công tác chuyển giao kỹ thuật thông qua việc tập huấn kỹ thuật: 46 lớp cho hơn 2.430 lượt hộ nông dân tham gia; tuyên truyền khuyến cáo về kiến thức sản xuất chế biến chè an toàn bằng: in sao băng đĩa CD; Xây dựng mô hình kỹ thuật về sản xuất, chế biến chè an toàn, nâng cao chất lượng chè xanh bằng thiết bị tôn sao Inôx, về mô hình khuyến công.

 

Phát huy lợi thế về sử dụng chỉ dẫn địa lý Tân Cương cho vùng chè đặc sản Tân Cương, giá trị sản phẩm được nâng cao so với trước, sản phẩm được đa dạng hóa (chè búp thành phẩm, chè nõn tôm…). Nhìn chung, thị trường giá chè tại vùng chè đặc sản T.P Thái Nguyên trong 2 năm 2007 - 2008 ổn định và năm sau cao hơn năm trước 11%- 20%, giá bình quân trong năm đạt 60.000đồng/kg – 80.000đồng/kg đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán giá chè đột biến tăng từ 150.000 - 200.000đồng/kg, thậm chí loại chè “tôm nõn” có giá tới 400.000đồng/kg – 450.000đồng/kg. Giá chè giống mới tăng 12 - 15% so với giá chè truyền thống.

 

Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chè vùng Tân Cương đã góp phần nâng cao đời sống của nhân dân vùng chè. Giải quyết việc làm cho hơn 6.000 lao động có thu nhập ổn định: 1,1-1,3 triệu đồng/lao động/tháng. Nông dân đã biết sản xuất phân bón hữu cơ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đầu tư cho chè hợp lý, ứng dụng đưa chảo sao chè bằng tôn Inôx thay thế tôn sắt đã góp phần giảm chi phí đầu tư, mang lại hiệu quả cao cho người sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm chè, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khoẻ người sản xuất và tiêu dùng.

 

Những tồn tại cần khắc phục

Dẫu vậy, đến nay tỉnh vẫn chưa ban hành quy trình sản xuất chè an toàn thống nhất trên toàn tỉnh; chưa xây dựng quy hoạch, phân vùng sản xuất chè an toàn theo loại sản phẩm. Đặc biệt là phân vùng sản xuất chè an toàn theo Quyết định số 1121/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/4/2008; các dự án đầu tư cho vùng chè đặc sản còn nhỏ lẻ và chưa tập trung.

 

Đối với thành phố Thái Nguyên, việc triển khai Dự án chè còn chậm so với tiến độ đề ra, sự phối hợp giữa các cơ quan chưa đồng bộ; thành phố đã có cơ chế chính sách phát triển chè song nguồn kinh phí dành cho đầu tư còn hạn chế, chưa đáp ứng các nội dung Dự án đề ra. Đối với các xã trong vùng chè đặc sản, công tác tuyên truyền, triển khai Dự án của địa phương đến nhân dân còn nhiều hạn chế, chưa tích cực chỉ đạo nông dân thực hiện dự án; sự phối kết hợp với các cơ quan chuyên môn của thành phố chưa chặt chẽ. Đối với người dân, do chưa nhận thức đầy đủ về giá trị bảo hộ thương hiệu của chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chè Tân Cương nên họ chưa thấy đây là quyền lợi trực tiếp của người làm chè vùng đặc sản, còn cho đây là nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước. Người dân chưa được trang bị kiến thức về thị trường và kỹ năng bán hàng có hiệu quả….

 

Bởi thế, Trong thời gian tới để phát huy lợi thế của sản phẩm đã được Nhà nước bảo hộ, thành phố cần tập trung làm tốt một số việc sau: Tập trung làm tốt việc quy hoạch vùng chè đặc sản Tân Cương để từ đó xác định chính xác khả năng mở rộng vùng chè và mời gọi các nhà đầu tư cùng với nông dân khai thác một cách có hiệu quả của vùng “đất vàng” này. Về mặt kỹ thuật, tập trung làm tốt khâu giống chè, tăng cường việc phổ biến kiến thức đến nông dân ứng dụng công nghệ nhân giống chè bằng phương pháp giâm cành, áp dụng tiến bộ kỹ thuật đưa giống mới vào sản xuất, 100% diện tích chè được trồng bằng cành giâm và đưa 7 giống chè mới có năng suất chất lượng cao vào sản xuất góp phần đa dạng hóa loại hình sản phẩm và tăng năng suất chè lên 102 tạ/ha.

 

Về sử dụng phân bón triển khai xây dựng các mô hình sử dụng phân bón cân đối bao gồm bón bổ sung phân hữu cơ vi sinh, đạm, lân, kaly cân đối và đặc biệt bón bổ sung phân trung lượng, vi lượng cho chè, làn nương chè được phục hồi nhanh, năng suất cao, chất lượng tốt, giá bán cao. Hướng dẫn cho nông dân biết sử dụng bảng so sánh màu lá để điều chỉnh phân bón cho chè góp phần tăng hiệu quả sản xuất, chu kỳ khai thác nương chè được kéo dài.

Về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thời gian tới tiếp tục  trang bị kiến thức về sản xuất chè an toàn cho người làm chè, sử dụng thuốc trừ sâu nguồn gốc sinh học, thảo mộc, làm cho chất lượng về vệ sinh an toàn thực phẩm được bảo đảm. Tiếp tục hỗ trợ 50 % giá trị thiết bị chế biến tôn sao Inox đồng thời xây dụng các mô hình trình diễn kỹ thuật làm cơ sở để nhân điển hình, từ đó góp phần giảm giá thành, nâng chất lượng sản phẩm chè, tăng hiệu quả sản xuất.

 

Tiếp tục trích từ nguồn ngân sách thành phố hỗ trợ công tác đào tạo kiến thức sản xuất, chế biến chè an toàn, hỗ trợ 30% giá giống theo chỉ đạo cho người trồng chè. Đặc biệt là việc hỗ trợ kinh phí cho việc quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm vùng chè đặc sản Tân Cương, từng bước thành lập Hiệp hội người làm chè ở thành phố giữ vững uy tín, bảo vệ thương hiệu, quyền lợi cho người sản xuất và người tiêu dùng được thưởng thức đúng sản phẩm chè đặc sản vùng Tân Cương.

 

Để chè Tân Cương phát triển

 

Để sản phẩm chè Thái Nguyên nói riêng và các vùng chè khác trong cả nước nói chung ngày càng phát triển, Nhà nước cần có chiến lược phát triển cây chè cho các vùng chè đặc sản cũng như giúp nông dân đảm bảo đầu ra cho loại sản phẩm này. Các nhà khoa học cần có những nghiên cứu sâu để tạo ra hoặc nâng cấp các giống chè hiện có có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu các nước trên thế giới từ đó nâng cao sản lượng chè xuất khẩu. Có một số cơ chế chính sách đặc biệt cho vùng chè đặc sản để tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất yên tâm làm chè kể cả khi thị trường có biến động bất lợi.

 

Đối với địa phương, các cơ quan hữu quan được Nhà nước giao thẩm quyền cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ để giúp cho chỉ dẫn địa lý Tân Cương được bảo hộ tốt hơn, bảo vệ được quyền lợi của người sản xuất và người tiêu dùng. Tăng cường thông tin tuyên truyền quảng bá thương hiệu sản phẩm chè Tân Cương; chỉ đạo tích cực việc tổ chức xây dựng thương hiệu sản phẩm chè cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn có đủ điều kiện; ban hành quy chế sử dụng thương hiệu quản lý bằng tem nhãn, giám sát của nhân dân; hỗ trợ điểm giới thiệu sản phẩm tại  một số thành phố lớn trong và ngoài tỉnh cho các tổ chức cá nhân vùng chè.