Sức bật Đồng Thịnh

11:07, 22/04/2014

Khi ngày kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cận kề, chúng tôi có dịp trở lại Đồng Thịnh (Định Hóa), nơi diễn ra trận diễn tập thực binh đánh “tập đoàn cứ điểm” - bước chuẩn bị quan trọng cho chiến dịch Điện Biên Phủ của quân và dân ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp...

Mùa này, cánh đồng Sìn, nơi diễn ra trận diễn tập năm xưa xanh một màu của lúa xuân đương thì con gái. Ở Đồng Thịnh hiện chỉ còn một nhân chứng duy nhất được chứng kiến trận diễn tập ngày ấy, đó là cựu chiến binh Phùng Đức Nự, hiện ở thôn Nà Chà. Năm nay đã bước sang tuổi 83 nhưng ông Nự vẫn còn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về trận diễn tập, ông nói: Tôi chỉ mong mình luôn khỏe mạnh để kể lại cho lớp trẻ nghe về những ngày tháng đầy tự hào ấy của vùng đất Đồng Thịnh này.

 

Hơn 60 năm đã qua nhưng ký ức về những ngày diễn tập ở Đồng Thịnh vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của người cựu chiến binh này. Thời điểm diễn ra trận diễn tập, ông Nự mới 20 tuổi, đó là vào khoảng cuối năm 1953. Khi ấy, chính quyền xã đã vận động người dân giữ bí mật, đi sơ tán để giúp bộ đội đánh trận giả. Sau đó, người già, phụ nữ, trẻ em đi sơ tán sang lán ở các đồi rừng thuộc xã Bảo Linh.

 

Vào một đêm, bộ đội về Đồng Thịnh rất đông. Lúc này, lúa ở cánh đồng Sìn bắt đầu chín, nhiều gia đình đã gặt một số thửa ruộng để bộ đội “tập trận”. Các xóm Bản Soi, Đèo Tọt và Đồng Làn được chọn là nơi diễn tập chính. "Trung tâm sở chỉ huy địch" đóng tại địa điểm xóm Bản Soi, cánh đồng Sìn là nơi bố trí các ụ súng của "địch", được nối với nhau bằng giao thông hào sâu ngập đầu người. Từ "sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm" đến hệ thống hầm, lôcốt đều được đào, đắp, lát hầm bằng gỗ, vầu. "Sở chỉ huy địch" cách đồi Nghè khoảng 200m được lát gỗ, nóc đắp đất dày..., bao xung quanh là hàng rào dây thép gai và vật cản, được ngụy trang bằng cây cỏ để phòng máy bay địch thám thính. Chuẩn bị một tuần, nhưng "trận giả" chỉ diễn ra trong hai ngày đêm. Với khẩu hiệu: "Thao trường như chiến trường", ta là quân đỏ, địch là quân xanh, trận giả cũng có súng bộ binh bắn phát tiếng nổ, bộc phá đánh lôcốt, hàng rào dây thép gai, bắn súng DKZ, bộc phá đánh hàng rào, quân đỏ quân xanh đánh giáp lá cà…

 

Đi qua những năm tháng hào hùng của dân tộc, Đồng Thịnh, nơi diễn ra trận diễn tập thực binh đánh “tập đoàn cứ điểm” năm xưa ngày càng được du khách trong nước, quốc tế biết đến. Hôm nay, Đồng Thịnh đã đổi thay rất nhiều khi con đường liên xã đã được trải nhựa tạo điều kiện thuận lợi cho cho việc đi, lại của người dân. Trạm y tế, trường học tiểu học và THCS đã được xây dựng khang trang. 100% số hộ dân trong xã đã được sử dụng điện lưới quốc gia. Trên cánh đồng Sìn năm xưa, người dân đã đưa giống lúa Bao thai đặc sản nổi tiếng của huyện vào gieo cấy. Năm 2013, xã gieo cấy được 535ha lúa thì có đến trên 200ha lúa bao thai, năng suất bình quân đạt gần 54 tạ/ha. Hiện, xã đang xây dựng Đề án phát triển lúa Bao thai với diện tích ban đầu khoảng 100ha để hướng tới hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung… Bà Lương Thị Liên, xóm Đồng Mòn, xã Đồng Thịnh cho biết: Hy vọng khi Đề án này thực hiện, sản phẩm gạo Bao thai của quê hương tôi sẽ được bán với giá cao hơn nữa.

 

Ngoài ra, người dân Đồng Thịnh còn tích cực phát triển cây chè. Đến nay, xã đã có 85ha chè cho thu hoạch, sản lượng đạt gần 640 tấn chè búp tươi/năm. Để nâng cao giá trị thu được từ cây chè, một số hộ dân đã áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) vào sản xuất, chế biến chè. Nhờ đó, cây chè đang trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân nơi đây. Có nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế đồi rừng, khoảng 7 năm trở lại đây, người dân Đồng Thịnh cũng đã mạnh dạn đưa cây keo, mỡ… về trồng. Trung bình mỗi năm trồng mới khoảng 30-50ha rừng, đến nay, xã đã có 400ha rừng sản xuất. Thu nhập từ trồng rừng cũng góp phần cải thiện đáng kể cuộc sống người dân.

 

Bên cạnh đó, nghề dệt mành cọ cũng đang khá phát triển ở Đồng Thịnh, mỗi năm giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 200 lao động (chủ yếu là phụ nữ) với mức thu nhập 2 đến 3 triệu đồng/người/tháng. Cuối năm 2013, 2 làng nghề dệt mành cọ là Ru Nghệ 1 - Ru Nghệ 2 và Làng Bầng - Co Quân được tỉnh cấp bằng công nhận làng nghề đã giúp bà con có điều kiện để liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Không chỉ phục vụ nhu cầu của người dân trong tỉnh, sản phẩm mành cọ của bà con đang được tiêu thụ tại các tỉnh như Thái Bình, Vĩnh Phúc, Nam Định, Tuyên Quang, Ninh Bình…

 

Ông Vũ Văn Bút, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Đời sống của người dân Đồng Thịnh đã được cải thiện rất nhiều so với 5 năm trước. Năm 2013, thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt gần 12 triệu đồng/người/năm, tăng gấp đôi so với 5 năm trước; số hộ nghèo còn khoảng 15%, giảm trên 2% so với năm 2012; 100% trẻ em đến độ tuổi đều được đến trường… Với nhiều nỗ lực, năm 2011, Đồng Thịnh được tỉnh chọn làm điểm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và đang phấn đấu về “đích” trong năm 2015. Hiện nay, xã đã hoàn thành 11/19 tiêu chí nông thôn mới.

 

Người dân Đồng Thịnh luôn tự hào về quê hương mình. Trong suy  nghĩ của họ, đồi Nghè, cánh đồng Sìn, sông Đồng Thịnh, cầu Đèo Tọt… được ví như đồi A1, cánh đồng Mường Thanh, dòng sông Nậm Rốm, cây cầu Him Lam ở Điện Biên. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây đã, đang và sẽ nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế - xã hội để xứng đáng với niềm tự hào ấy.