Việc Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) dự kiến thoái vốn khỏi 10 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), trong đó có những thương hiệu lớn và uy tín như: Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), FPT, Công ty Nhựa Bình Minh… sẽ cung cấp thêm cho thị trường chứng khoán (TTCK) lượng cổ phiếu có giá trị, thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tránh gây biến động
Thông tin về việc SCIC sẽ thoái vốn khỏi 10 DN lớn theo yêu cầu của Chính phủ lập tức trở thành tâm điểm chú ý của giới chuyên môn cũng như các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bởi, đây chủ yếu là những DN đang sở hữu những mã cổ phiếu chủ chốt, có giá trị cao trên TTCK.
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho biết, yêu cầu thoái vốn của SCIC được Chính phủ phê duyệt. Việc thoái vốn phải chọn thời điểm thích hợp và phải có phương án cụ thể, bảo đảm "đạt được lợi ích cao nhất".
Các phương án thoái vốn phải bảo đảm không làm ảnh hưởng tới hoạt động của DN, quyền lợi người lao động và không gây biến động trên thị trường. Điển hình với trường hợp Vinamilk, việc thoái vốn phải bảo đảm không gây ảnh hưởng tới thị trường sữa, người tiêu dùng… bởi Vinamilk là một trong những DN nắm quyền kiểm soát giá sữa trên thị trường. Các nhà đầu tư mới nắm giữ lượng cổ phiếu sau khi được bán ra đều phải cam kết bảo đảm yêu cầu mà Nhà nước và Chính phủ đã đề ra. Việc thoái vốn của SCIC nằm trong chỉ đạo tổng thể chung. Đó là thu hẹp lại các lĩnh vực kinh tế mà thành phần kinh tế tư nhân có thể làm được để đầu tư vào những lĩnh vực khác mà Nhà nước cần phải nắm giữ như: An ninh quốc phòng, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, đầu tư hạ tầng cơ sở…
Theo các chuyên gia, việc bán cổ phần của một số DNNN thuộc loại "gà đẻ trứng vàng" của Chính phủ không quá bất ngờ. Bởi, quá trình tái cơ cấu DNNN đang đi vào giai đoạn nước rút và việc này nằm trong lộ trình đặt ra. Nhà nước bán vốn tại các DN lớn này là có chủ đích, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khu vực DNNN. Đây cũng là thông điệp của Chính phủ sẵn sàng đẩy nhanh hơn tiến trình cổ phần hóa, cải cách DN quốc doanh, tạo điều kiện cho DN nâng cao chất lượng quản trị kinh doanh, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh Việt Nam tham gia mạnh mẽ vào các hiệp định thương mại song phương cũng như đa phương. Thêm vào đó, đòi hỏi cân đối ngân sách đang là một bài toán lớn mà Chính phủ phải giải quyết. Nếu đẩy mạnh được quá trình thoái vốn nhà nước khỏi các lĩnh vực không cần nắm giữ, Chính phủ sẽ thu về được một số tiền đáng kể, phục vụ hiệu quả cho công tác xử lý bội chi ngân sách.
Thêm nhiều "hàng tốt" cho thị trường
Theo văn bản của Chính phủ, SCIC sẽ được phép thoái hết vốn tại các DNNN, trong đó có Vinamik, Công ty cổ phần FPT, Viễn thông FPT, Nhựa Tiền Phong, Tổng công ty Tái bảo hiểm quốc gia, Nhựa Bình Minh... Đây là những DN đang kinh doanh tốt, có giá trị vốn hóa cao, tỷ lệ chia cổ tức thuộc nhóm đầu trên thị trường. Đơn cử năm 2014, với mức lợi nhuận sau thuế đạt 6.068 tỷ đồng, Vinamilk chi trả cổ tức ở mức 40%. Với 541 triệu cổ phiếu nắm giữ, cổ tức mà SCIC nhận được từ Vinamilk lên tới 2.164 tỷ đồng. SCIC đang nắm giữ 45,1% vốn Vinamilk và với mức giá mỗi cổ phiếu khoảng 105.000 đồng, nếu SCIC thoái vốn thành công sẽ giúp Chính phủ thu về gần 2,5 tỷ USD. Với mức giá cổ phiếu hiện nay trên TTCK, việc thoái vốn khỏi 10 DN lớn sẽ giúp Nhà nước có thể thu về 3-4 tỷ USD.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, phần vốn thu về sẽ được dành cho đầu tư phát triển để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đầu tư một số bệnh viện trung ương, tuyến cuối, bố trí vốn đối ứng các dự án ODA và đầu tư cho chương trình chống ngập lụt tại TP Hồ Chí Minh. Phương thức thoái vốn sẽ được thực hiện theo quy định. Lộ trình thoái vốn thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. SCIC sẽ xây dựng kế hoạch, lộ trình, phương thức thoái vốn cho từng DN cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi thực hiện nhằm đạt được lợi ích cao nhất. Các nhà đầu tư có đủ năng lực đều có thể tham gia mua cổ phần của các DN nói trên theo giá thị trường.
Như vậy, TTCK tới đây sẽ được bổ sung thêm một lượng lớn cổ phiếu có giá trị và thuộc danh mục mơ ước của bất cứ nhà đầu tư nào. Việc thoái vốn thành công khỏi các DN lớn cũng sẽ giúp việc cân đối thu - chi ngân sách trong năm 2015 giảm bớt khó khăn. Tuy nhiên, việc tái đầu tư và sử dụng nguồn vốn này sao cho hiệu quả vẫn sẽ là điều được dư luận quan tâm. Bởi, khi nguồn vốn ngân sách được quản lý và sử dụng hiệu quả sẽ tạo ra những tác động tích cực, qua đó giúp nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững.