Sản phẩm của vùng chè Trại Cài (Đồng Hỷ) có vị đặc biệt riêng với hương cốm dìu dịu, nước sánh vàng mật ong, có độ chát vừa phải, ngọt về sau. Đây là một trong những vùng chè nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên đã được người tiêu dùng biết đến từ hơn 30 năm nay. Hiện, người dân làm chè ở đây đã trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng sản xuất, chế biến sản phẩm an toàn nhằm phát triển bền vững thương hiệu chè Trại Cài.
Vùng chè Trại Cài có khoảng 600ha chè kinh doanh (sản lượng bình quân đạt 7.200 tấn/năm), trong đó có 400ha ở xã Minh Lập, 200ha ở xã Hòa Bình.
Đến xã Minh Lập vào thời điểm Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ 3 chuẩn bị được tổ chức, bên cạnh không khí mát dịu trên những nương chè xanh bát ngát, chúng tôi nhận thấy sự sạch sẽ, gọn gàng tại các nương chè nguyên liệu cũng như khu vực sao sấy, chế biến. Các nương chè đều được chăm sóc cẩn thận, phát triển đồng đều. Khu vực chế biến chè tại các gia đình được xây dựng tách riêng, vệ sinh sạch sẽ, bảo đảm an toàn trong sản xuất. Được biết, để chuẩn bị cho Festival Trà năm nay, các hộ trồng chè ở đây đều tiến hành đốn chè đúng cách, đúng thời điểm và bón phân hữu cơ đúng quy định. Tại thời điểm tổ chức Festival, các nương chè sẽ đồng thời bung những búp nõn mập mạp xanh biếc, tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách…
Ông Nguyễn Minh Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Lập cho biết: Vùng chè Trại Cài được hưởng phù sa và dòng nước từ dòng sông Cầu, nên rất thuận lợi cho phát triển cây chè. Bên cạnh những ưu đãi từ thiên nhiên, chúng tôi cũng khuyến khích người dân sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Quy trình sản xuất mới này đã thay cho phương thức làm chè chưa có quy chuẩn như trước đây. Hiện, người dân đã tận dụng nguồn rơm rạ sẵn có để ủ thành phân hữu cơ cung cấp chất dinh dưỡng cho cây chè. Việc dùng thuốc bảo vệ thực vật cũng được người làm chè tiến hành một cách cẩn thận, đúng liều lượng và thời gian quy định. Các thuốc trừ sâu bằng thảo dược và sinh học đã đang dần thay thế các loại thuốc hóa học, góp phần làm cho chất lượng chè ngon hơn, sản phẩm chè đạt mức an toàn và giá thành cao hơn trước. Từ đó, góp phần làm cho thương hiệu chè Trại Cài ngày càng được nhiều người tin dùng.
Dẫn chúng tôi đi thăm nương chè trồng theo tiêu chuẩn VietGAP rộng 30ha tại xóm Cà Phê 1, xã Minh Lập (thuộc vùng chè Trại Cài, được chọn là 1 trong 2 điểm tham quan của du khách tham dự Festival Trà năm nay), ông Quách Văn Mai, Trưởng làng nghề chè Cà Phê 1 cho biết: Đến nay mọi công tác chuẩn bị cho Festival Trà chúng tôi đều thực hiện cẩn thận và đã hoàn thành. Trong đó chú trọng nhất đến chăm sóc các nương chè nguyên liệu và những sản phẩm trà của mình. Nói về sản phẩm chè Trại Cài, ông Quách Văn Mai cho biết: Để có được những cánh chè thơm ngon, làm nên đặc trưng riêng của chè Trại Cài thì nhất thiết phải có sự công phu, tỉ mỉ của người làm chè ngay từ khâu thu hái cho đến khi chế biến. Tới kỳ thu hoạch, người dân thường hái chè vào ngày nắng để chè có được vị ngon nhất, thời điểm thu hái tốt nhất là từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều vì khi đó búp chè không bị ướt sương. Khi hái chè cũng phải tuân thủ đúng quy tắc “một tôm hai lá” để lấy được phần ngon nhất của búp chè. Sau khi mang chè tươi về phải trải ra nong, nia trong thời gian khoảng 2-3 tiếng để chè thoáng, bay hết hơi nước. Sau đó đưa vào sao sấy ngay, chứ không để lâu hơn sẽ làm chè bị đỏ và mất vị thơm ngon.
Cũng thuộc vùng chè Trại Cài như xã Minh Lập, người dân làm chè xã Hòa Bình đã có nhiều cố gắng trong sản xuất chè an toàn. Hiện tại trong 200ha chè thuộc vùng Trại Cài, người dân nơi đây đã xây dựng và được công nhận 30ha chè sản xuất theo quy trình VietGAP. Ông Lường Văn Hà, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Hòa Bình cho biết: Festival trà lần này, tuy vùng chè Hoà Bình không được chọn làm điểm tham quan của du khách, nhưng chúng tôi vẫn tích cực cải tạo cảnh quan các nương chè và chú trọng đến sản xuất những sản phẩm trà ngon để quảng bá tại Festival. Để sản xuất được những sản phẩm trà ngon và sạch, nhiều năm qua, người dân trên địa bàn xã đã tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc và chế biến sản phẩm chè. Trong đó chú trọng nhất đến sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật đúng cách đảm bảo an toàn cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng và môi trường sống. Những người làm chè trên địa bàn đã bắt đầu ý thức, phải cố gắng làm ra các sản phẩm tốt, an toàn nhất thì mới có thể duy trì và phát triển thương hiệu chè Trại Cài vươn xa hơn nữa.