Hơn 1 tháng nay, giá ớt tăng đột biến (từ 5.000 - 7.000 nghìn đồng/kg tăng lên 45.000 -50.000 đồng/kg) nên người dân đã không bán cho doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm mà chuyển sang bán cho các tư thương. Đây là thực trạng đang diễn ra ở một số xã có diện tích trồng ớt lớn của huyện Phú Bình như: Lương Phú, Tân Đức, Tân Hòa…
Tháng 10-2015, Công ty TNHH Kibaco (trụ sở ở Quế Võ, Bắc Ninh) thông qua Trạm Khuyến nông huyện Phú Bình để ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm ớt của bà con với diện tích hơn 10ha. Theo đó, gần 200 hộ dân thuộc các xã: Tân Hòa, Lương Phú, Tân Đức được Công ty cấp giống (giống ớt Nun 207) để gieo trồng, hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc. Trong hợp đồng nêu rõ, Công ty sẽ đứng ra thu mua toàn bộ ớt của bà con với giá 15 nghìn đồng/kg. Nếu giá thị trường tăng, Công ty sẽ tăng giá 10%, hộ dân nào không thực hiện theo đúng hợp đồng đã thỏa thuận sẽ phải bồi thường với số tiền 1 triệu đồng cho Công ty. Tuy nhiên, hơn 1 tháng nay, giá ớt tăng cao, đỉnh điểm lên đến 50-52 nghìn đồng/kg, trong khi thời điểm đầu vụ, giá ớt cao nhất là 8 nghìn đồng/kg. Trước tình trạng này, Công ty đã chủ động tăng giá thu mua ớt của bà con lên 25 nghìn đồng/kg nhưng do giá thị trường cao gấp đôi nên hầu hết ớt thu hái về, người dân không bán cho Công ty mà mang bán cho các tư thương, với giá dao động từ 45-50 nghìn đồng/kg.
Những ngày này về xã Lương Phú, mặc dù thời tiết nắng nóng nhưng ngoài đồng, bà con vẫn miệt mài thu hái ớt. Trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thoa, xóm Phú Lương cho biết: Năm nay, tôi trồng 1 sào ớt giống Nun 207 do Công ty TNHH Kibaco hỗ trợ giống, do thời tiết không thuận lợi nên một số cây bị chết rút. Hiện, diện tích ớt của gia đình đang cho thu hoạch rộ, đúng vào thời điểm giá ớt tăng cao, lại có thương lái về tận nhà thu mua nên tôi đã cùng các hộ trong xóm thu hái ớt cân cho các tư thương. Anh Dương Văn Tiến, cán bộ khuyến nông xã Lương Phú thông tin: Công ty TNHH Kibaco đã hỗ trợ 62 hộ dân xóm Phú Lương hạt giống (1 gói hạt giống (5gr) tương ứng với 1 sào) để gieo trồng với diện tích hơn 2ha. Tuy nhiên, do thời tiết bất thuận và sâu bệnh gây hại nên hiện, chỉ còn lại 14 sào ớt đang cho thu hoạch. Mặc dù, Công ty đã tăng giá lên hơn 60% so với giá ban đầu đã ký kết, cùng với đó, xã cũng tích cực tuyên truyền, vận động bà con nhưng không ai mặn mà với việc thực hiện theo hợp đồng đã ký.
Không chỉ ở xã Lương Phú, thực trạng này cũng đang diễn ra tại xóm Thanh Lương, xã Tân Hòa. Theo đánh giá, mỗi sào ớt cho năng suất khoảng 800kg. Hơn nửa tháng nay, Công ty liên tục cử người về tận xóm để thu mua ớt nhưng đều bị nông dân từ chối. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phạm Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Kibaco cho biết: Vừa qua, phía Công ty đã chủ động tăng giá ớt từ 15 nghìn đồng/kg lên 25 nghìn đồng/kg nhưng, chúng tôi vẫn chưa thu mua được kg ớt nào của bà con. Sở dĩ giá ớt Công ty đã tăng nhưng chỉ bằng một nửa so với giá thu mua ngoài thị trường vì hợp đồng giữa Công ty với đối tác nước ngoài đã được ký kết ngay từ đầu vụ nên việc thay đổi mức giá gặp nhiều khó khăn. Việc không thu mua được ớt của bà con đã ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất chúng tôi đã ký hợp đồng xuất bán cho đối tác, song vì diện tích ớt thực hiện ở Phú Bình không nhiều nên hậu quả để lại chưa nghiêm trọng. Cùng với đó, thời tiết vụ xuân năm nay không được thuận lợi khiến một số diện tích ớt của bà con không cho thu hoạch hoặc thu hoạch với năng suất thấp. Hiện chúng tôi đang phối hợp với chính quyền các địa phương rà soát, thống kê diện tích ớt đang cho thu hoạch của bà con để từ đó có cơ sở yêu cầu các hộ hoàn lại 150 nghìn đồng tương ứng với mỗi gói hạt giống mà trước đó Công ty đã cấp để bà con gieo trồng, thay vì bồi thường số tiền phá vỡ hợp đồng với Công ty là 1 triệu đồng như đã ký kết. Cũng theo ông Hải, qua sự việc này Công ty sẽ cẩn trọng hơn trong việc thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm nông nghiệp với bà con nông dân ở những vụ sau.
Theo ông Lê Xuân Bẩy, Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Phú Bình thì đây không phải là lần đầu tiên có tình trạng nông dân “quay lưng” lại với doanh nghiệp nhận bao tiêu sản phẩm vì giá. Thực tế, những năm 2009, khi giá dưa chuột xuất khẩu ngoài thị trường cao hơn giá doanh nghiệp thu mua, nông dân xã Tân Đức chỉ bán cho họ khoảng 40% sản lượng thu hoạch, còn lại đem bán cho các thương lái. Tình trạng “tham bát bỏ mâm” của bà con trong sản xuất nông nghiệp được xem là một trong những rào cản lớn khi huyện triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó có việc đẩy mạnh liên kết 4 nhà (nhà nước - nhà khoa học - nhà nông - nhà doanh nghiệp). Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, khuyến cáo bà con không nên chạy theo lợi nhuận trước mắt mà bỏ qua cơ hội để gắn kết lâu dài với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đồng thời, tích cực phối hợp với chính quyền các xã đôn đốc, nhắc nhở bà con khẩn trương thực hiện yêu cầu mà phía Công ty TNHH Kibaco đã đưa ra.