Với nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển công nghiệp, những năm qua, T.P Sông Công đã tập trung mọi nguồn lực thu hút các doanh nghiệp (DN) trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD) trên địa bàn. Từ đó từng bước nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại - dịch vụ, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội và khẳng định vị thế của một thành phố trẻ.
T.P Sông Công có vị trí địa lý khá thuận lợi, nằm trong vùng công nghiệp xung quanh Thủ đô Hà Nội với bán kính 60km. Đặc biệt, từ cuối năm 2014, tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên hoàn thành, Quốc lộ 3 cũ cũng được cải tạo, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ của tỉnh nói chung, T.P Sông Công nói riêng. Cùng với đó, trên địa bàn thành phố có 2 khu công nghiệp (KCN) tập trung của tỉnh, gồm KCN Sông Công I và II; 3 cụm công nghiệp (Khuynh Thạch, Nguyên Gon, Bá xuyên) và gần 11ha đất ở phường Lương Sơn được quy hoạch nằm trong Cụm công nghiệp số 5 của T.P Thái Nguyên (có tổng diện tích 39,6ha). Với những tiềm năng, lợi thế này, thời gian qua, T.P Sông Công đã nỗ lực thu hút đầu tư phát triển kinh tế, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp và thương mại - dịch vụ.
Đối với KCN Sông Công I được quy hoạch với diện tích 195ha, đến nay đã thu hút 67 dự án đầu tư trong nước (với tổng số vốn đăng ký 6.000 tỷ đồng) và 14 dự án đầu tư nước ngoài (tổng số vốn đăng ký 42,4 triệu USD), diện tích đất đã thuê là gần 75ha (tỷ lệ lấp đầy đạt 49,5%). Tại đây đã có 42 dự án đi vào hoạt động, tổng doanh thu trong 9 tháng của năm nay đạt trên 1.300 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 50 triệu USD, tạo việc làm cho gần 5.000 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần (CP) Đầu tư và Thương mại TNG cho biết: Chi nhánh May Sông Công thuộc Công ty chính thức đi vào hoạt động từ năm 2007 với diện tích thuê đất gần 3ha tại khu B, KCN Sông Công I. Trước đó, trong quá trình san gạt mặt bằng, đầu tư xây dựng nhà xưởng của Chi nhánh và lắp đặt hệ thống dây chuyền máy móc thiết bị hiện đại (với tổng số vốn đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng), T.P Sông Công đã tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính để Công ty thực hiện dự án kịp tiến độ. Thời gian qua, Chi nhánh luôn hoạt động ổn định, thu hút gần 3.000 công nhân với mức thu nhập bình quân đạt trên 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Về lĩnh vực thương mại - dịch vụ cũng được T.P Sông Công đặc biệt quan tâm với hệ thống dịch vụ ngân hàng, điện, nước, bưu chính viễn thông, siêu thị, nhà hàng... ngày càng phát triển. Trên địa bàn thành phố hiện có 321 DN và cơ sở SXKD, góp phần tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động. Trong đó có 85 DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, 31 DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và 205 DN, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, song với sự chủ động trong việc tìm kiếm cơ hội, chú trọng đầu tư thiết bị, đổi mới công nghệ nên các DN đã từng bước vượt khó, đáp ứng yêu cầu của thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tính đến hết tháng 9 năm 2016, các DN đã đóng góp cho ngân sách thành phố gần 60 tỷ đồng, đạt 78,8% kế hoạch năm và tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh những DN đã đi vào hoạt động, trong 9 tháng của năm nay, thành phố có trên 40 DN mới thành lập với tổng số vốn đăng ký hơn 1.000 tỷ đồng.
Nhờ khai thác có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng và thế mạnh của địa phương, những năm qua, kinh tế T.P Sông Công luôn giữ ở mức tăng trưởng khá, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng công nghiệp và xây dựng cơ bản chiếm 78%; thương mại - dịch vụ chiếm 18%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 4%. Tính riêng 9 tháng đầu năm nay, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố đạt trên 3.200 tỷ đồng, vượt 15% so với cùng kỳ năm trước; giá trị xuất khẩu đạt hơn 80 triệu USD, bằng 117,6% so với cùng kỳ; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng/người/năm; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đời sống của người dân từng bước được nâng cao...
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND T.P Sông Công cho biết: Với những lợi thế trên, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của thành phố hiện nay là phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Trong đó, tập trung phát triển các ngành công nghiệp thế mạnh như: Cơ khí chế tạo, cơ khí gia công, luyện kim, điện, điện tử, dệt may... kết hợp với phát triển thương mại - dịch vụ và du lịch sinh thái. Phấn đấu đến năm 2020, tổng giá trị sản xuất (công nghiệp, xây dựng, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp) trên địa bàn đạt 15.903 tỷ đồng (tăng gấp 2 lần so với năm 2015); mức tăng trưởng bình quân 5 năm (2016-2020) đạt 18%. Hiện nay, thành phố đang tập trung mọi nguồn lực thu hút các dự án đầu tư vào KCN Sông Công II (nằm trên địa bàn xã Tân Quang, diện tích quy hoạch 250ha). Đồng thời, ttạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư và DN yên tâm phát triển SXKD, góp phần đưa kinh tế của thành phố phát triển nhanh, bền vững.