Thành công từ mô hình “cánh đồng mẫu lớn”

15:26, 21/10/2016

Vụ mùa năm nay, tuy là lần đầu tiên đưa vào sản xuất mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, nhưng xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) đã thu được thành công trong việc nâng cao giá trị lợi nhuận trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp. Nông dân tham gia sản xuất trong mô hình đều phấn khởi vì cây lúa cho năng suất cao hơn, sâu bệnh hại được hạn chế đến mức thấp nhất…

2 mô hình “cánh đồng mẫu lớn” sản xuất vụ mùa năm nay ở xã Nam Hòa là mô hình lúa lai BTE1, trồng tại cánh đồng của 3 xóm Chí Son, Bờ Suối, Gốc Thị và mô hình lúa thuần Thiên Ưu 8, trồng tại cánh đồng của 2 xóm Cầu Đất, Quang Trung. Trong đó, mô hình lúa lai BTE1 có diện tích 60ha, với 366 hộ dân tham gia và mô hình lúa thuần Thiên Ưu 8, có diện tích 15 ha, với 107 hộ tham gia. Cả hai mô hình đều cho năng suất lúa cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

 

Gia đình chị Tống Thị Bảy, xóm Chí Son cùng với 365 hộ gia đình khác tham gia mô hình “cánh đồng mẫu lớn” trồng giống lúa lai BTE1 vụ mùa này đều vui mừng vì thu được năng suất lúa cao hơn và giảm chi phí sản xuất. Chị Bảy cho biết: Được sự vận động của xóm, xã, gia đình tôi đã tham gia mô hình. Khi tham gia, chúng tôi được cán bộ nông nghiệp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cho giống BTE1, gieo mạ và cấy lúa đồng loạt cùng thời điểm. Tuy lúa cấy thưa hơn so với ngoài mô hình nhưng giai đoạn lúa đẻ nhánh, chúng tôi bón phân cân đối sớm hơn nên lúa đẻ nhánh sớm, khỏe, do đó số dảnh lúa cao, phát triển tốt hơn so với cách gieo cấy cũ. Ngoài ra, giai đoạn lúa đứng cái làm đòng, chúng tôi cũng bón phân đúng thời điểm cây lúa cần, nên số hạt chắc trên bông lúa tăng thấy rõ. Sau thu hoạch, gia đình tôi đạt năng suất cao nhất từ trước đến nay là 2,9 tạ/sào, nhân với giá bán khoảng 75 nghìn đồng/tạ, mỗi sào doanh thu đạt 2,1 triệu đồng. Nếu trừ chi phí, mỗi sào còn thu được lợi nhuận là 1,2 triệu đồng, cao hơn so với vụ trước là 350 nghìn đồng/sào.

 

Bên cạnh mô hình cánh đồng BTE1, mô hình 15ha lúa thuần chất lượng cao Thiên Ưu 8 gieo cấy trên cánh đồng của 2 xóm Cầu Đất, Quang Trung, xã Nam Hòa cũng được mùa và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Lý Văn Bảo, xóm Cầu Đất là 1 trong 107 hộ dân tham gia mô hình phấn khởi cho biết: Áp dụng mô hình này, tôi thấy việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hạn chế hơn rất nhiều. Mọi năm, thấy ruộng có sâu là tôi đi phun ngay mà cũng không hết được sâu, bệnh. Năm nay, được hướng dẫn cụ thể, gia đình tôi phun thuốc khi mật độ sâu bệnh đến ngưỡng phòng trừ nên tiết kiệm thuốc, hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường và hiệu quả phòng, trừ sâu bệnh đạt cao hơn. Được biết, vụ mùa năm nay, gia đình ông Bảo có 5 sào trồng lúa thuần Thiên Ưu 8 tham gia trong mô hình. Năng suất lúa đạt 2,3 tạ/sào, cao hơn so với vụ mùa trước 0,5 tạ/sào. Với hiệu quả như vậy, gia đình ông và nhân dân trong xóm dự kiến sẽ tiếp tục đề nghị được tham gia mô hình trong vụ đông xuân tới.

 

Nói về thành công trong mô hình cánh đồng mẫu lớn, ông Lê Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Hòa cho biết: Ngay từ đầu vụ, Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã phối hợp, giúp đỡ chúng tôi khảo sát, quy hoạch vùng sản xuất và tuyên truyền vận động bà con. Qua đó đã có 473 hộ nông dân tham gia 2 mô hình “cánh đồng mẫu lớn”. Bà con cũng tích cực tham gia lớp tập huấn khoa học kỹ thuật và đã nắm bắt được kỹ thuật từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch. Với điều kiện thời tiết vụ mùa bất thuận, mưa kéo dài; một số loại sâu bệnh phát triển mạnh như: sâu cuốn lá nhỏ, bệnh khô vằn và bệnh bạc lá, chúng tôi đã bám sát đồng ruộng, hướng dẫn phòng trừ kịp thời nên không ảnh hưởng lớn đến năng suất cuối vụ. Có thể nói, xã Nam Hòa đã thử nghiệm thành công 2 mô hình “cánh đồng mẫu lớn”. Qua tổng kết 2 mô hình, chúng tôi ước tính trung bình, ruộng trong mô hình đạt hiệu quả kinh tế là trên 900 nghìn đồng/sào, cao hơn so với ruộng ngoài mô hình là 180 nghìn đồng/sào, tương đương với gần 5 triệu đồng/ha/vụ. Chúng tôi cho rằng đối với xã Nam Hòa, việc triển khai mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tiên tiến chính là giải pháp để nâng cao giá trị lợi nhuận trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp, góp phần đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.