Trong một ngôi nhà sàn ở lũng núi thuộc xã Thần Sa (Võ Nhai), tiện nghi không nhiều, nhưng can rượu ngô chưa bao giờ vơi, hồ nước nhỏ trước nhà chưa bao giờ cạn cho đàn cá bơi lội. Bên triền rừng, từng đàn gà lúc cúc tìm sâu. Sau nhà, có vạt chè bốn mùa đơm búp… Giữa khung cảnh thanh bình ấy, chủ nhân của gia trang - ông Hoàng Văn Tình tâm đắc: Vì mê thiên nhiên, nên tôi vào lũng núi này trồng rừng và gây dựng thành một cơ ngơi dưỡng lão cho riêng mình.
Nhìn ông bước phăm phăm trên sườn dốc, không ai nghĩ đó là một người đã ở tuổi 83; mắt còn sáng, tai còn thính, chân, tay lanh lẹ và chẳng nề nan công việc nặng nhọc hằng ngày. Ông vô tư kể chuyện đời mình, về việc trồng rừng, làm rẫy. Ông bảo: Năm trước, vợ tôi là bà Dương Thị Tườn còn cùng ở. Sang năm nay, tuổi 82 kéo bà ngã vào sự mệt nhọc. Bà đành để mình tôi trong lũng núi, chống gậy về xóm Kim Sơn ở cùng các con, cháu.
Nói là ở một mình, nhưng hằng ngày các con, cháu vẫn thay nhau vào lũng núi thăm nom. Nhiều khi lại có bạn hiền từ các xóm, bản lân cận vào chơi, trản trà, mạn đàm chuyện “nhân tình thế thái”. Cũng bởi thế ông ung dung, tự tại, sống thanh đạm, vui vẻ. Thỉnh thoảng cao hứng, ông kể cho con, cháu nghe chuyện “ngày xửa ngày xưa” của mình. Ông bảo: Không phải khoe khoang, mà kể để các con, cháu biết thời trước gian nan vất vả, thiếu khó, nhưng ai nấy đều có lòng kiên trung theo Đảng đánh giặc ngoại xâm, giặc đói và giặc dốt. Kể để các con, cháu không nản chí hướng phấn đấu, cống hiến cho xã hội.
18 tuổi, ông tình nguyện nhập ngũ, theo miết đến hết chiến dịch Điện Biên Phủ thì phục viên, trở về Thần Sa, quê ông. Hồi bấy giờ (1954), Thần Sa là vùng đất heo hút, giao thông khó khăn, nên những người thoát ly, tham gia quân đội, được rèn luyện, học tập như ông, bà con trong rất nể trọng. Cũng vì thế mà ngay khi đặt chân về đến nhà, ông đã được Ủy ban Hành chính xã giao nhiệm vụ.
Vốn năng động, hoạt bát, nên ông luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở thành tích đạt được trong công tác, năm 1961, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng, tiếp tục tham gia công tác tại Ủy ban Hành chính xã. Nhấp chén rượu men lá, ông nói thong thả: Kể từ thời nhập ngũ (1952) cho đến năm 1989, tôi có 37 năm công tác liên tục. Dù trải qua nhiều công việc, nhiệm vụ khác nhau, trong quân ngũ làm bộ đội liên lạc, về địa phương làm cán bộ văn phòng; làm Chủ tịch UBND xã, rồi Bí thư Đảng ủy xã… ở vị trí nào tôi cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tôi nghỉ hưu lúc 55 tuổi.
Nghỉ hưu, nhưng sức còn sung, nên ông vẫn là lao động chính trong gia đình. Một ngày nông vụ thư nhàn, ông lên núi tìm thú, chợt phát hiện có lũng núi rậm rì cây cỏ, ông nảy ý khai khẩn làm nương bãi, trồng thêm ngô, sắn tăng gia cải thiện và trồng rừng.
Rất mừng là ý định của ông được bà Tườn ủng hộ. Vậy là hằng ngày, chồng trước, vợ sau, lưng còn đeo theo lù cở đựng dao, cuốc và nắm cơm gói bằng lá chuối rừng. Nhẫn nại phát, đốt, dọn bãi trồng cây sắn, cây mố lấy lương thực, đêm ngủ trong mái lán dựng tạm. Xòe đôi bàn tay chai nhám cho tôi xem, ông kể: Mất gần 5 năm liên tục tôi mới làm chủ được cái lũng núi rộng hơn 5ha này.
Để công việc nương bãi thuận lợi, vợ chồng ông lên rừng đốn cây, xẻ lấy gỗ làm nhà trong lũng. Cùng với sự hỗ trợ của các con, cháu và bà con trong vùng, qua hai mùa rẫy, ông có đủ gỗ để dựng lên một ngôi nhà sàn chắc chắn để ở. Cũng từ đó (2003), vợ chồng ông ở hẳn trong lũng núi. Ông kể: Bận rộn lắm, mùa mưa thì trồng cây lấy gỗ, cây ăn quả, cây chè; mùa khô thì đào đất, ngăn khe làm hồ chứa nước. Muỗi, vắt chẳng ngại, nhưng khó khăn nhất vẫn là vốn đầu tư, vì thế phải làm dần mới có cây lên thành rừng, chè mọc thành bãi và cá lội thành đàn dưới ao. Sản phẩm làm ra, có bao nhiêu tư thương từ thành phố lên, ngoài thị trấn, huyện vào đặt mua hết. Họ bảo: Hàng của tôi là hàng sạch, nên bán bao nhiêu cũng xin mua sạch. Tôi không có thói quen ghi chép đạt tổng thu bao nhiêu tiền mỗi năm, nhưng trang trại trong lũng núi này mang lại cho tôi không khí trong lành và cuộc sống no đủ. Với tôi, như thế là hạnh phúc.
Tôi lật đật theo ông leo cầu thang lên sàn trên của ngôi nhà, thấy ở tường treo rất nhiều những Huân - Huy chương, Bằng khen, Giấy khen của các cấp, ngành tặng cho ông, trong đó có tấm Huy hiệu 40 năm, 50 năm, 55 năm tuổi Đảng; Bằng khen của UBND tỉnh trao tặng cho ông vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng gia đình kiểu mẫu ở nông thôn và Bằng khen Già làng tiêu biểu của tỉnh… Tôi nhẩm đọc một cách kính trọng, vì biết đó là tài sản quý hơn vàng, bạc của một đời người. Nhất là với người đảng viên cao tuổi hằng ngày lặng lẽ ươm màu xanh, làm nên những cánh rừng nơi lũng núi Thần Sa.