Để tiềm năng không “ngủ quên”

08:18, 10/07/2020

Mặc dù không có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) như T.P Thái Nguyên và các địa phương phía Nam của tỉnh, nhưng huyện miền núi Phú Lương cũng có những tiềm năng, lợi thế đáng kể. Tuy nhiên, thời gian qua, kết quả đạt được của huyện trong lĩnh vực này còn khiêm tốn. Vấn đề đặt ra là cần làm thế nào để tiềm năng không “ngủ quên”?

Từ thực tế cho thấy, huyện Phú Lương có nhiều điều kiện khá thuận lợi để phát triển lĩnh vực khai khoáng (như khai thác, chế biến than đá, quặng titan, sắt, chì, kẽm, đá, đất sét…), sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản, đặc biệt là chè. Ông Nguyễn Huy Hà, Phó phòng Kinh tế - Hạ tầng cho biết trên địa bàn huyện có nhiều mỏ khoáng sản, có tiềm năng về đất đai, lao động; nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào với trên 18.000ha rừng sản xuất (chưa kể việc vận chuyển gỗ từ vùng lân cận đến huyện khá thuận tiện); diện tích trồng chè tập trung lớn. Từ thực tế đó, Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 xác định phát triển CN-TTCN gắn với những tiềm năng thế mạnh của địa phương là một nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá để thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ và nâng cao đời sống cho người dân.
 
Nhằm cụ thể hóa chủ trương này, huyện chỉ đạo xây dựng Đề án, cơ chế hỗ trợ và tích cực triển khai nhiều giải pháp như: Quảng bá tiềm năng, xúc tiến đầu tư, cải cách hành chính, quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, xây dựng vùng nguyên liệu và thương hiệu sản phẩm của địa phương, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực…
 
Vì vậy, lĩnh vực CN-TTCN từng bước phát triển, số cơ sở sản xuất tiếp tục tăng (hiện có khoảng 1.250 cơ sở sử dụng trên 2.300 lao động, tăng gần 200 cơ sở so với năm 2011, trung bình mỗi xã có trên 80 cơ sở, vượt chỉ tiêu). Toàn huyện hiện có 42 làng nghề, tăng 13 làng so với năm 2015, trong nhiều làng nghề có hợp tác xã làm hạt nhân tổ chức sản xuất và kết nối tiêu thụ sản phẩm khá hiệu quả. Một số doanh nghiệp trên địa bàn duy trì hoạt động tốt và tiếp tục mở rộng sản xuất như: Công ty TNHH Cơ khí và Vận tải An Huy, Nhà máy Gạch Tuynel Phú Lộc (xã Cổ Lũng), Công ty TNHH Shints BTV Chi nhánh Thái Nguyên chuyên sản xuất hàng may mặc (thị trấn Đu)…
 
Tuy nhiên, đến cuối nhiệm kỳ nhìn lại, phần lớn các chỉ tiêu về phát triển CN-TTCN của huyện Phú Lương không đạt kế hoạch đề ra, có chỉ tiêu đạt rất thấp. Cụ thể: giá trị sản xuất CN-TTCN (theo giá so sánh năm 2010) dự kiến năm nay đạt 525 tỷ đồng, mục tiêu là 1.767 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng CN-TTCN bình quân 2 năm 2016 và 2017 (khi Phú Lương còn xã Sơn Cẩm) đạt 3,84%/năm, rất thấp so với mục tiêu 15%; khi bóc tách toàn bộ xã Sơn Cẩm khỏi huyện từ năm 2015, tốc độ tăng trưởng của ngành này 5 năm qua cũng chỉ đạt 10%/năm.
 
Gia công sản phẩm cơ khí tại xưởng sản xuất của Công ty TNHH Cơ khí và Vận tải An Huy, ở xã Cổ Lũng (Phú Lương).
Ảnh: T.Q
 
Một trong những thế mạnh nổi bật của huyện là chế biến nông, lâm sản cũng chưa có các dự án, doanh nghiệp lớn tham gia. Riêng lĩnh vực chế biến gỗ, nhiều cơ sở gặp khó khăn về đầu ra trong những năm gần đây, giá bán sản phẩm giảm nên hoạt động cầm chừng hoặc buộc phải dừng sản xuất (năm 2016, toàn huyện có 181 cơ sở chế biến gỗ, tổng sản lượng đạt trên 34.000m3 thì đến năm 2019 còn 157 cơ sở, tổng sản lượng giảm gần 1 nửa).
 
Nói về nguyên nhân, ông Hoàng Duy Hưng, Phó Chủ tich UBND huyện Phú Lương phân tích: Nhìn vào tiềm năng và với quyết tâm lớn nên huyện đã đặt ra một số chỉ tiêu quá cao. Tuy nhiên, có yếu tố khách quan là từ năm 2017, xã Sơn Cẩm sáp nhập về T.P Thái Nguyên, trong khi đây là địa phương trọng điểm phát triển công nghiệp của huyện. Khi đó, cả huyện có 4 cụm công nghiệp (CCN) thì 3 cụm nằm ở xã Sơn Cẩm (tổng diện tích trên 100ha), chỉ còn CCN Đu - Động Đạt nhưng do khó khăn trong thu hút đầu tư nên phải đưa ra khỏi quy hoạch. Thêm nữa, Phú Lương không có lợi thế về giao thông như một số địa phương khác dù có 3 tuyến quốc lộ chạy qua (Quốc lộ 3 cũ, Quốc lộ 3 mới và đường Hồ Chí Minh), bởi cách xa các trung tâm công nghiệp và đầu mối giao thông lớn.
 
Ngoài những nguyên nhân đó, kết cấu hạ tầng nói chung, hạ tầng phát triển CN-TTCN nói riêng của huyện miền núi Phú Lương còn hạn chế do thiếu nguồn lực đầu tư. Phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gặp khó khăn về vốn nên có quy mô nhỏ, dây chuyền thiết bị và kỹ thuật chậm cải tiến…
 
Để những tiềm năng không “ngủ quên”, huyện Phú Lương tiếp tục đề ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy CN-TTCN, trong đó tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư về cơ chế, hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường xúc tiến thương mại, chú trọng vào các lĩnh vực có thế mạnh truyền thống (chế biến lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến chè).
 
Ông Hoàng Duy Hưng thông tin thêm: Một trong những điểm sáng đáng kể về phát triển CN-TTCN của Phú Lương trong tương lai gần là địa phương mới được bổ sung 2 CCN tại xã Yên Ninh và xã Yên Lạc. Riêng CCN Yên Lạc (25,6ha) đã có doanh nghiệp đề xuất làm chủ đầu tư hạ tầng và tích cực cùng huyện hoàn thiện thủ tục pháp lý, đã có một số nhà đầu tư, trong đó có doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc chờ thuê đất. Từ những bài học thành công và hạn chế ở giai đoạn trước, nhìn vào triển vọng thực tế và bằng việc triển khai các giải pháp phù hợp, không duy ý chí, huyện đề ra mục tiêu phát triển CN-TTCN trong 5 năm tới đạt tăng trưởng bình quân từ 11%/năm trở lên.