Nông dân Thái Nguyên sản xuất, kinh doanh giỏi

Phạm Ngọc Chuẩn 08:01, 20/08/2022

​Giai đoạn 2019-2022, Thái Nguyên có 388.000 lượt gia đình hội viên nông dân đăng ký danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Qua bình xét hằng năm, toàn tỉnh có gần 200.000 lượt hộ đạt danh hiệu này. Từ phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân tiêu biểu, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cán bộ, hội viên nông dân huyện Võ Nhai trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế tại mô hình sản xuất của gia đình bà Lê Thị Thắm, xóm Tân Tiến, xã Dân Tiến.
Cán bộ, hội viên nông dân huyện Võ Nhai trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế tại mô hình sản xuất của gia đình bà Lê Thị Thắm, xóm Tân Tiến, xã Dân Tiến.

Từ mô hình sản xuất miến dong, gia đình ông Nguyễn Văn Ba, xóm Việt Cường, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) đạt doanh thu 22 tỷ đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho mình, gia đình ông còn thường xuyên tạo việc làm cho 35 lao động. Đồng thời, ông Ba cũng tích cực hỗ trợ vốn vay, vật tư, kỹ thuật sản xuất và kinh nghiệm giúp đỡ hơn 100 người dân trong vùng.

Gia đình ông Ba chỉ là 1 trong số rất nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh trong những năm gần đây. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, tâm đắc: Những tỷ phú “chân đất” giống nhau ở nghị lực vượt khó. Họ làm việc có kế hoạch, khoa học, tích cực tiếp cận cái mới và dám đầu tư lớn cho sản xuất. Hơn nữa, họ biết tôn trọng người lao động, biết sử dụng nhân công phù hợp với từng công việc. Chính vì thế, họ gặt hái được thành quả lao động cao hơn so với nhiều người khác trong vùng.

Những nông dân tiên phong, gương mẫu trong phát triển kinh tế gia đình được ví là "đầu tàu" trong cộng đồng. Từ mô hình, mẫu hình kinh tế họ thực hiện thành công, từng bước được lan tỏa, nhân rộng trong xã hội. Ông Tô Văn Khiêm, xóm Khe Cốc, xã Tức Tranh (Phú Lương) - một nông dân chịu học hỏi, nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng công nghệ vào việc sản xuất chè của gia đình là "đầu tàu" như vậy.

Ông Khiêm chia sẻ: Để nâng cao giá trị sản phẩm, tôi đầu tư sản xuất chè theo quy trình hữu cơ. Để chè phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao, tôi áp dụng phương pháp ủ cỏ tạo mùn rồi bón cải tạo đất. Quá trình chăm sóc, tôi sử dụng phân bón hữu cơ, dùng chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh. Chính vì thế, chè của gia đình tôi có giá bán cao hơn so với nhiều hộ khác trong vùng từ 30.000 đến 50.000 đồng/kg, doanh thu đạt 3 tỷ đồng/năm. Tôi cũng chia sẻ những cách làm này cho bà con trong vùng để cùng nâng cao chất lượng sản phẩm chè Khe Cốc.

Mỗi người một cách làm giàu, song không phải bằng mọi giá, mà bằng cách sử dụng đất hiệu quả, hoặc làm mô hình kinh tế chăn nuôi gia súc, gia cầm phù hợp với điều kiện của gia đình. Điển hình như bà Nguyễn Thị Cương, xóm Việt Ninh, xã Lương Phú (Phú Bình), với mô hình chăn gà mái đẻ, ấp nở gia cầm; chăn lợn nái ngoại sinh sản, chăn lợn thương phẩm đạt doanh thu 43 tỷ đồng/năm.

Hay trường hợp của ông Hà Văn Ưng, xóm Giếng, phường Hồng Tiến (TP. Phổ Yên) với mô hình sản xuất, kinh doanh tổng hợp, đạt doanh thu 15,2 tỷ đồng/năm; bà Trần Thị Tuyết, xóm Na Long, xã Hóa Trung (Đồng Hỷ) và mô hình sản xuất, kinh doanh chè  búp khô, cung ứng vật tư phân bón cho bà con trong vùng đạt doanh thu 10 tỷ đồng/năm; và còn rất nhiều tấm gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi khác...

Đồng hành với bà con, hội Nông dân các cấp đã chủ động phối hợp với những cơ quan, đơn vị liên quan để tổ chức các lớp đào tạo nghề sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp; chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến cho nông dân. Hội cũng nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho gần 24.000 hộ vay vốn với dư nợ hiện đạt hơn 1.100 tỷ đồng, tăng 122 tỷ đồng so với năm 2019.

Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đến tháng 6-2022, hơn 13.000 hộ nông dân đã được tạo điều kiện vay tổng vốn hơn 1.563 tỷ đồng. Cùng nguồn vốn từ các ngân hàng, trong thời gian từ năm 2019 đến hết tháng 6-2022, Quỹ Hỗ trợ nông dân thực hiện giải ngân cho 115 dự án phát triển kinh tế, hơn 1.500 hộ vay, với số vốn gần 52 tỷ đồng.

Có thể khẳng định, kết quả phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" có tác động mạnh mẽ đến tư duy, nhận thức của nông dân. Từ đó, người nông dân thay đổi tập quán canh tác xưa cũ, lạc hậu bằng phương thức sản xuất mới, tiên tiến, hiện đại, phù hợp với thời đại nông nghiệp, nông dân số. Phong trào đã góp phần tích cực làm thay đổi bộ mặt nông thôn của tỉnh.