Nhịp sống mới trong lũng núi Quạt Nan

Thu Huyền 07:32, 23/11/2022

Đã nhiều đời nay, vùng thung lũng bên núi Quạt Nan là nơi sinh sống của bà con người Dao xóm Tân Yên. Đây là xóm người Dao duy nhất ở xã Mỹ Yên (Đại Từ). Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng với những nỗ lực của người dân, đời sống của bà con nơi đây đã thay đổi rõ rệt.

Tuyến đường liên xóm Tân Yên - Hà Việt do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đại Từ làm chủ đầu tư đang được thi công, đáp ứng nhu cầu đi lại của bà con sau khi hoàn thành vào cuối tháng 12 tới.
Tuyến đường liên xóm Tân Yên - Hà Việt đang được thi công và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 12 tới.

Theo lời kể của những người già trong xóm, hàng trăm năm trước, nhiều hộ người Dao sinh sống rải rác bên các triền núi cao của tỉnh Lạng Sơn. Đến những năm 50 của thế kỷ XX, sau lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, người Dao “hạ sơn” để lập làng, lập bản, một số hộ di cư đến xã Mỹ Yên. Từ 7 hộ ban đầu, đến nay, xóm Tân Yên đã có 78 hộ, 314 khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Dao.

Thời điểm đầu mới lập xóm, đời sống kinh tế của các hộ rất khó khăn. Nhưng với tinh thần không ngại khó, không ngại khổ, đồng bào đã nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống mới. Tận dụng lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, nhiều năm trở lại đây, người Dao ở Tân Yên trồng lúa và trồng chè theo hướng thâm canh để phát triển kinh tế.

Lúa và chè hiện cũng là cây trồng chủ lực của xóm. Những năm gần đây, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong đó, đưa các giống lúa lai, lúa thuần chất lượng cao vào gieo cấy; trồng thay thế chè giống cũ bằng chè cành LDP1, Long Vân… Đặc biệt, người dân chủ động đầu tư hệ thống tưới tự động để làm chè vụ đông, cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với các vụ sản xuất trong năm.

Đến nay, thu nhập bình quân của người dân xóm Tân Yên đạt trên 30 triệu đồng/người/năm, cao gấp đôi so với năm 2015. Nhiều mô hình V-A-C được hình thành, đem lại thu nhập đáng kể cho bà con. Có thể kể đến mô hình của ông Triệu Tiến Bảy, Triệu Tiến Long, Dương Văn Hòa…

Một trong những yếu tố khiến đời sống của người Dao Tân Yên thay đổi rõ rệt đó chính là hạ tầng giao thông. Ông Triệu Văn Lợi, Bí thư Chi bộ Tân Yên, chia sẻ: Trước đây, toàn bộ đường giao thông trong xóm đều là đường đất, đi lại rất khó khăn. Có những khi mưa lớn, cả xóm bị cô lập, người từ bên ngoài cũng ngại đến Tân Yên do đường sá đi lại vất vả.

Được Nhà nước hỗ trợ xi măng, đến nay, gần 100% đường trục xóm, 95% đường ngõ xóm ở Tân Yên đã được cứng hóa. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, người Dao hăng hái đóng góp ngày công, tự nguyện phá bỏ công trình, tường rào, hiến đất làm đường. Tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, 7 tuyến đường ngõ xóm với tổng chiều dài hơn 700m cũng đã được thi công, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

Đơn cử như tuyến đường liên xóm Tân Yên - Hà Việt dài gần 1.000m đang được triển khai. Để thi công tuyến đường, gần 20 hộ dân trong xóm đã hiến gần 3.000m2 đất. Ông Triệu Quý Thanh, một trong những hộ tiên phong hiến đất, nói: “Tấc đất tấc vàng” ai mà không quý, thế nhưng, nếu chè làm ra không bán được, con gà, con lợn nuôi lớn mà thương lái ngại đường khó không vào mua thì đời sống của bà con người Dao sẽ còn khổ mãi. Vậy nên khi xã, xóm thông tin về chủ trương, gia đình tôi đã phá bỏ 100m tường rào xây và sẵn sàng hiến 500m đất đang trồng chè để làm đường.

Từ năm 2004 trở lại đây, người Dao ở Tân Yên đã được sử dụng điện lưới Quốc gia; sử dụng nước hợp vệ sinh. Các hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để làm nhà, xây dựng công trình phụ trợ, mua sắm nông cụ sản xuất… Đến nay, xóm Tân Yên chỉ còn 6 hộ nghèo (năm 2015 là 20 hộ).

Đời sống ngày càng khấm khá, nhưng người Dao ở Tân Yên vẫn không quên giữ gìn, bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, như: Tết nhảy, lễ cấp sắc…

Ông Nguyễn Quang Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Yên, thông tin: Xóm Tân Yên là một trong những đơn vị đi đầu trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương, từ xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông đến giữ gìn bản sắc văn hóa trong cộng đồng dân cư. Từ chỗ còn nhiều khó khăn, đến nay, đời sống của người dân đã từng bước thay đổi, phát triển tương đương 16 xóm còn lại trong xã. Đây là cơ sở quan trọng để Mỹ Yên phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2024.


Từ khóa:

dân tộc Dao

Mỹ Yên

kinh tế