Tạo sinh kế bền vững cho người Mông ở Bản Tèn

Vũ Công 07:21, 24/11/2022

Trong những năm qua, xóm Bản Tèn, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) đã nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, đặc biệt là thông qua các mô hình kinh tế. Qua đó góp phần giúp người Mông nơi đây có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập và vươn lên thoát nghèo.

Người dân đang nhân giống gừng để mở rộng diện tích trồng.
Người dân đang nhân giống gừng để mở rộng diện tích trồng.

Bản Tèn có 139 hộ dân, với 725 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Trước năm 2021, kinh tế của bà con trong xóm chủ yếu phụ thuộc vào cây lúa, cây ngô, với tổng diện tích đất nông nghiệp và đất nương rẫy gần 68ha. Ngoài bắp ngô, hạt thóc, người dân trong Bản Tèn không còn nguồn nhập nào khác. Do đó, đời sống đồng bào gặp không ít khó khăn, 100% gia đình đều thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác giảm nghèo tại Bản Tèn, từ năm 2021 đến nay, các ngành chức năng của tỉnh và huyện Đồng Hỷ, xã Văn Lăng đã triển khai và thực hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế tại xóm. Cụ thể, các đơn vị đã hỗ trợ 1 tấn gừng giống cho 44 hộ; 14 con lợn giống cho 6 hộ; 2.000 cây ba kích tím cho 2 hộ; 10 con bò sinh sản cho 10 hộ…

Sau gần 2 năm triển khai, một số mô hình đã bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực. Đơn cử như với mô hình nuôi lợn thịt, người dân đã nuôi lớn, bán lứa lợn được hỗ trợ ban đầu và tiếp tục tái đàn. Hiện nay, mỗi hộ tham gia mô hình đang nuôi 2-5 con lợn thịt. Còn với mô hình trồng gừng, sau khi cho thu hoạch, bà con đã nhân giống để mở rộng diện tích…

Ông Lý Văn Bai, là một trong những hộ dân tham gia mô hình trồng gừng, chia sẻ: Tháng 5/2021, gia đình tôi được hỗ trợ 50kg gừng giống. Sang đầu năm 2022, sau khi thu hoạch tôi đã không bán hết củ mà giữ lại một phần để nhân giống, mở rộng diện tích. Đến nay, gừng cũng đã cho thu hoạch, bình quân mỗi khóm được 2kg, nếu thu hoạch hết gia đình tôi được trên dưới 1 tấn gừng. Với giá bán như hiện nay, tôi dự tính thu được khoảng 7-8 triệu đồng.

Còn anh Vương Văn Sị cho hay: Ngày trước, gia đình chỉ biết bám vào cây ngô, cây lúa nhưng năng suất kém nên làm lụng quanh năm cũng chẳng bỏ ra được đồng nào. Cách đây 1 năm, khi được hỗ trợ một con bò giống sinh sản, tôi đã làm lại chuồng, tận dụng một số diện tích đất trống để trồng cỏ làm thức ăn cho bò. Sau khi bò sinh sản, gia đình sẽ có thêm nguồn thu nhập.

Cùng chung niềm vui với ông Bai, anh Sị còn có hơn 100 hộ khác trong xóm Bản Tèn, khi được hỗ trợ tham gia vào các mô hình phát triển kinh tế. Anh Lý Văn Sỹ, Trưởng xóm Bản Tèn, phấn khởi: Tham gia các mô hình, bà con được hỗ trợ cây, con giống, vật tư, phân bón. Cùng với đó, đồng bào còn được tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt để nâng cao hiệu quả trong sản xuất.

Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Lăng: Mặc dù các mô hình được triển khai đã đem lại một số hiệu quả nhưng phần lớn mới ở giai đoạn đầu. Kết quả này còn cách mục tiêu là tạo sinh kế, cải thiện đời sống cho người dân khá xa. Mục đích chính của các mô hình là để người dân thay đổi tư duy về sản xuất, tạo vùng nông sản phù hợp với đặc thù của miền núi, vùng cao. Do đó, Bản Tèn vẫn cần thêm nguồn lực hỗ trợ để phấn đấu vươn lên.

Trong thời gian tới, song song với việc triển khai các mô hình kinh tế, xã Văn Lăng sẽ huy động nguồn lực để hỗ trợ 118 hộ xây mới, sửa chữa nhà ở; mở rộng đường giao thông từ xóm Tam Va lên xóm Bản Tèn để tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào phát triển kinh tế; hỗ trợ các hộ dân xây dựng công trình phụ; phối hợp với các ngành chức năng để tạo việc làm cho người dân xóm Bản Tèn…