Năm tín dụng nhiều cảm xúc

Hạ Liên 16:31, 01/01/2023

Hàng chục năm trở lại đây, chưa năm nào hệ thống ngân hàng (NH) lại trong tình trạng “cháy” tiền cho vay như năm 2022. Vì thế mà nhiều NH đã chạm ngưỡng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ngay từ cuối quý II, đầu quý III. Điều đó khiến việc cho vay phải “dè xẻn” trong những tháng cuối năm và nhiều NH bị sụt đáng kể nguồn vốn huy động, phải tăng mạnh lãi suất tiền gửi… Có lãnh đạo NH cho rằng đây là năm thuận lợi, nhưng cũng có người lại bảo đây là năm khó khăn đối với thị trường tín dụng.

Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh Thái Nguyên.
Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh Thái Nguyên.

Thuận lợi trong kinh doanh

Nhiều người vay đã ví von, năm 2022, NH mới chính là “thượng đế”, chứ không phải khách hàng. Bởi thay vì họ phải vất vả đi tìm kiếm, mời chào để có được khách hàng, thì nay khách hàng mới là người phải đến tìm họ, thậm chí phải chấp nhận cả những điều kiện bất lợi mà một số NH đưa ra.

Tại Thái Nguyên, tính đến cuối tháng 6 - khi chặng đường kế hoạch năm mới thực hiện được một nửa, thì dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã đạt 79.080 tỷ đồng, tăng 7.512 tỷ đồng (tương ứng tăng 10,62%) so với cuối năm 2021.

Trong khi đó, theo kế hoạch, tăng trưởng tín dụng cả năm là 12%. Vì thế, nhiều NH đã đồng loạt xin tăng thêm chỉ tiêu tín dụng, nhằm đáp ứng nhu cầu vay trong những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, số NH được đáp ứng không nhiều và chỉ tiêu giao thêm cũng không đáng kể so với nhu cầu. Từ thực tế này, nhiều NH TMCP nhỏ, với đối tượng khách hàng chủ yếu là cá nhân, đã tranh thủ “mời” khách hàng mua kèm thêm gói bảo hiểm nhân thọ hoặc bảo hiểm tiền vay để được thuận lợi trong giải ngân. Cùng với đó là việc điều chỉnh lãi suất cho vay (cao hơn nhiều so với mức điều chỉnh lãi suất huy động)…

Tính đến cuối tháng 10, lãi suất đã tăng cao hơn cả thời điểm trước khi xuất hiện dịch COVID-19. Bởi thế, với nhiều NH, đây là năm có kết quả kinh doanh khá tốt.

Nguồn vốn vay bị hạn chế cùng với lãi suất vay tăng cao đã khiến hoạt động của nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp xây dựng gặp nhiều khó khăn.
Nguồn vốn vay bị hạn chế cùng với lãi suất vay tăng cao đã khiến hoạt động của nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp xây dựng gặp nhiều khó khăn.

Khó khăn trong đồng hành

Tuy nhiên, phần lớn các NH TMCP nhà nước thì lại khác. Lãnh đạo một NH có dư nợ cho vay DN lớn chia sẻ: Nếu xét về yếu tố lợi nhuận thì 2022 có thể nói cũng là năm có những thuận lợi trong hoạt động của ngành NH. Song nếu xét về yếu tố đồng hành, hỗ trợ khách hàng thì lại là năm khó khăn. Bởi trên thực tế, việc cấp tín dụng cho khách hàng của nhiều NH không trôi, làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh. Khách hàng gặp khó cũng đồng nghĩa NH gặp khó và đối diện với nguy cơ gia tăng nợ xấu. Thực tế này khiến chúng tôi phải theo sát để có những biện pháp hỗ trợ nhiều hơn đối với khách hàng. Mặc dù về tổng thể, các chỉ tiêu kế hoạch năm được giao đơn vị vẫn hoàn thành, nhưng không đạt được theo kỳ vọng và nếu xét trên từng chỉ tiêu cụ thể, vẫn có chỉ tiêu không đảm bảo. Trong khi đó, quy mô của NH thì ngày càng tăng.

Ở một khía cạnh khác, lãnh đạo một chi nhánh Vietinbank trên địa bàn phân tích: “Room” tín dụng bị cạn ngay từ quý III đã khiến cho việc thực hiện các chỉ tiêu khác trong những tháng cuối năm của nhiều NH trở nên khó khăn. Vì khi đó khách hàng sẽ ít luân chuyển vốn, các dịch vụ khác như thanh toán, mua bán ngoại tệ… cũng bị hạn chế. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện một số chỉ tiêu khác của chúng tôi, trong đó có chỉ tiêu doanh thu từ dịch vụ.

Thị trường bất động sản trầm lắng trong nửa cuối năm 2022 có một phần nguyên nhân do tín dụng bị siết chặt.
Thị trường bất động sản trầm lắng trong nửa cuối năm 2022 có một phần nguyên nhân do tín dụng bị siết chặt.

Và sự ứng phó với nguồn vốn giảm        

Cũng từ sự gia tăng mạnh mẽ của tín dụng cho vay nên ở chiều huy động, bắt đầu từ tháng 7 đã có sự sụt giảm, do các tổ chức, cá nhân rút tiền gửi để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

Chính vì thế, sau 6 tháng huy động tiền gửi tăng, thì từ tháng 7 nhiều NH bắt đầu rơi vào trạng thái âm. Đến cuối tháng 8, tổng vốn huy động toàn hệ thống trên địa bàn tỉnh đã rời mốc 90 nghìn tỷ đồng (còn 89.924 tỷ đồng), giảm 1.427 tỷ đồng so với cuối tháng 6. Khi này, để thu hút nguồn vốn trở lại, nhiều NH đã buộc phải điều chỉnh tăng lãi suất đầu vào.

Chị Trần Ngọc Hoa, tổ 6, phường Trung Thành, TP. Thái Nguyên, chia sẻ: Hồi đầu năm, khi các NH dư vốn, việc khách hàng đến kỳ rút tiền có gửi lại hay không, nhân viên NH không mấy quan tâm. Nhưng từ cuối tháng 9 trở đi thì khác. Gần đây nhất, hồi cuối tháng 11, khi tôi đi rút tiền, nhân viên NH cổ phần nơi tôi giao dịch tha thiết mời tôi gửi lại với lãi suất 8,8%/năm cho kỳ hạn 6 tháng nhưng tôi từ chối. Thấy vậy, họ liền nâng lãi suất cho tôi lên 10%/năm, mặc dù thông báo trước quầy mức lãi suất cao nhất chỉ là 8,8%/năm. Điều này chứng tỏ các NH rất cần vốn nên chấp nhận trả lãi suất cao.

Có thể nói, năm 2022 là năm có nhiều biến động trong hoạt động của ngành NH, với cả khó khăn và thuận lợi đang xen. Điều này đã và còn tiếp tục trực tiếp tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến người vay.

Tuy vậy, vì mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống NH… nên NH Nhà nước quyết tâm không nới nhiều hạn mức tín dụng.

Vì thế, các DN, hộ cá nhân kinh doanh được dự báo sẽ còn cần tiếp tục thích nghi với thực tế này trong thời gian tới, nhất là trong việc tìm kiếm nguồn vốn để không quá lệ thuộc vào NH, thông qua việc liên doanh, liên kết. Đồng thời cũng cần tìm ra phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp để thích ứng trong bối cảnh chính trị và nền kinh tế thế giới ngày càng có những diễn biến khó lường như hiện nay.