Nhà giáo Ưu tú, Giáo sư, Tiến sĩ Đào Thanh Vân, nguyên giảng viên cao cấp Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) được nhiều nông dân các tỉnh miền núi phía Bắc biết đến, gọi thân thiện: “Thầy Vân cây ăn quả”. Tuy đã nghỉ hưu từ năm 2018, nhưng Giáo sư vẫn gắn bó cùng giảng đường và đồng hành, sát cánh với người nông dân thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học.
Giáo sư Đào Thanh Vân (bên phải) trong một buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng giống Lê VH6 cho nông dân xã Hồng Thái, huyện Na Hang (Tuyên Quang). |
Có một câu chuyện đã lan truyền khắp vùng cam huyện Hàm Yên (Tuyên Quang): Cách đây hơn 10 năm, vùng cam nơi thượng nguồn dòng Lô “lâm bệnh” Greening, còn gọi là bệnh “Vàng lá gân xanh”. Những vườn cam theo nhau chết yểu. Diện tích cam Hàm Yên từ hàng nghìn ha giảm xuống còn khoảng 700ha.
Trong lúc người vùng cam rơi vào tình thế khó khăn, nhiều nông dân lo lắng sẽ sống như thế nào trước cảnh cây cam đứng khô dần rồi chết, nhiều người tìm thêm các nơi đất mới ở những cánh rừng sâu, xa để trồng làm tăng thêm nạn phá rừng phòng hộ ở miền núi. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Tuyên Quang đã mời Giáo sư Đào Thanh Vân về giúp bà con tìm nguyên nhân, trị bệnh cho cây cam.
Sau một thời gian cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với bà con, Giáo sư đã cùng các cộng sự của mình đã tìm ra nguyên nhân và giải pháp trị bệnh hiệu quả, giúp những vùng cam ngọt hồi sinh sức sống. Hiện, ngoài cam Sành, vùng cam huyện Hàm Yên đã có thêm các giống cam mới: V2, CS1... với diện tích trên 5.000ha, mang lại nguồn thu nhập trên 500 tỷ đồng/năm cho người dân.
Là người tâm huyết, trách nhiệm với công việc, Giáo sư Đào Thanh Vân đã cống hiến cho ngành Nông nghiệp Việt Nam và bà con nông dân các tỉnh miền núi phía Bắc 28 đề tài khoa học và dự án về cây trồng. Bao gồm: 3 đề tài, dự án cấp Nhà nước; 1 đề tài Nghị định thư với Trung Quốc; 3 đề tài, dự án cấp bộ; 15 đề tài, dự án cấp tỉnh; 6 đề tài, dự án cấp huyện… Gần 40 năm gắn bó với giảng đường đại học, Giáo sư tham gia đào tạo 54 khoá bậc đại học; 26 khoá trình độ thạc sĩ; hướng dẫn luận văn tốt nghiệp cho hơn 140 sinh viên, 64 học viên cao học và có 6 nghiên cứu sinh do Giáo sư hướng dẫn đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.
Giáo sư Đào Thanh Vân cũng từng đảm nhiệm nhiều trọng trách: Phó trưởng phòng Đào tạo Sau đại học; Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Cây trồng ôn đới miền núi phía Bắc Việt Nam. Ở vị trí nào, Giáo sư cùng làm việc tận tình, với mong muốn được đóng góp công sức, trí tuệ cho nền nông nghiệp Việt Nam; được chia sẻ với người nông dân bằng các công trình khoa học thực sự có ích.
Nhiều người dân các tỉnh miền núi phía Bắc đã quen thuộc với hình ảnh một “Nhà nông học” gần gũi với ruộng, vườn, cây trồng. Đó là Giáo sư Đào Thanh Vân của những chuyến đi thực tế để "thai nghén", hoàn thiện các đề tài khoa học; hoặc về với bản, làng để tập huấn và chuyển giao kỹ thuật cho nông dân các tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Yên Bái… về các giống hoa mới như: lily, tuylip, đồng tiền Hà Lan, hoa cúc Pháp, địa lan Trần Mộng Xuân, chè Hoa Vàng; các giống cây ăn quả có năng suất, chất lượng cao như: lê VH6, na dai Chi Lăng, bưởi Phục Hòa, cam sành không hạt LĐ6...
Cùng với các đề tài, dự án khoa học Giáo sư Đào Thanh Vân còn chủ biên và tham gia xuất bản 12 giáo trình và 25 quy trình kỹ thuật phục vụ công tác đào tạo tại nhà trường và trang bị kiến thức cho nông dân tại các địa phương.
Từ kết quả lao động không mệt mỏi, Giáo sư Đào Thanh Vân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”; Ủy ban Dân tộc miền núi tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển dân tộc”… Đặc biệt năm 2022, Giáo sư Đào Thanh Vân được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là “Nhà khoa học của nhà nông” do có nhiều thành tích xuất sắc góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin