"Chúng tôi luôn bảo nhau, là người lính dù trong hoàn cảnh nào cũng phải vươn lên bằng chính sức lực của mình, quyết tâm xây dựng đời sống ấm no, gắn bó tình đồng đội và là tấm gương cho con cháu". Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Cổ Lũng (Phú Lương), ông Nguyễn Văn Sáu mở lời với chúng tôi như thế khi nói về chuyện CCB giúp nhau thoát nghèo, làm giàu.
Mô hình nuôi cá giống của CCB Nguyễn Văn Phong mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Những ngày đầu tháng 2, mưa xuân lất phất, được hai ông Nguyễn Văn Sáu, Chủ tịch và ông Đỗ Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hội CCB xã Cổ Lũng, dẫn đến các mô hình kinh tế tiêu biểu của Chi hội CCB Làng Phan, chúng tôi mới thấm hết câu nói trên. Vẫn đồng đất ấy, nhưng với tư duy nhạy bén, cần cù lao động, các CCB đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế.
Tiêu biểu như ông Nguyễn Văn Phong, năm nay 62 tuổi. Gia đình ông có hơn 8.000m2 đất ruộng, vườn, đồi tạp trước đây không mang lại hiệu quả kinh tế. Từ năm 2015, ông đã vay tiền ngân hàng và đồng đội để cải tạo, chuyển một nửa diện tích đất sang nuôi cá giống, còn lại là trồng chè, cây ăn quả, cây cảnh, nuôi ong mật.
Ông Phong cho biết: Cứ hơn 2 tháng tôi xuất bán một mẻ cá; chè thu 6-7 lứa/năm, cây cảnh khách thích cây nào tôi bán cây đó. Đến nay, tôi đã trả được 50 triệu đồng ngân hàng, sửa sang lại nhà cửa, mua sắm trang thiết bị hết khoảng 500 triệu đồng và mua thêm được 3 sào đất gần nhà.
Cũng ở Làng Phan có mô hình trồng chè kết hợp nuôi ong của ông Vũ Văn Phong cho thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm; mô hình chăn nuôi gà thịt của ông Trương Đức Thắng cho thu lãi từ 120-140 triệu đồng/năm... Các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của CCB đã góp phần cổ vũ phong trào thi đua làm giàu trong xóm, đưa Làng Phan vừa đạt chuẩn xóm nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo ông Sáu, không chỉ ở Làng Phan mà các mô hình CCB làm kinh tế giỏi có ở hầu hết các xóm trong xã và đa dạng như: Sản xuất ván dăm, gỗ ép, trồng cây ăn quả, nuôi cá, ong, chăn gà, kinh doanh… Nếu như 8 năm trước, trong Hội CCB xã chưa có hội viên là doanh nghiệp, chưa có hợp tác xã thì hiện nay xã có 1 HTX thủy sản, 1 tổ hợp tác, tổ nghề nghiệp đang hoạt động hiệu quả, gần 30 hộ hôi viên có trang trại, gia trại chăn nuôi, cơ sở sản xuất kinh doanh thu hút khoảng 150 lao động. Các mô hình cho thu nhập từ 100-400 triệu đồng/năm.
Để đạt được kết quả trên, Hội thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện các phong trào “CCB gương mẫu” và “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”. Hội đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế hộ gia đình. Phương châm là CCB tiên phong trên mọi mặt trận, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, tương thân tương ái, tự giúp mình và giúp đồng đội vươn lên; vận động hội viên tùy khả năng, điều kiện về sức khỏe, lợi thế đất đai để xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp.
Cùng với đó, Hội cũng xây dựng mô hình góp vốn xoay vòng, chân quỹ cho hội viên vay; hướng dẫn hội viên tiếp cận với nguồn vốn từ các ngân hàng. Tính đến hết năm 2022, riêng với Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội đang nhận ủy thác quản lý trên 2 tỷ đồng cho gần 100 hộ vay. Quỹ nội bộ, góp vốn xoay vòng có tổng dư nợ gần 300 triệu đồng cho hơn 40 lượt hội viên vay. Hội tích cực phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về phát triển kinh tế; tổ chức cho hội viên đi học hỏi các mô hình kinh tế tiêu biểu...
Những cách làm trên đã khơi dậy tinh thần tự lực, tạo hiệu ứng thi đua làm giàu sôi nổi trong Hội, trong xã. Qua đó góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tính đến hết năm 2022, toàn Hội chỉ còn một hộ hội viên nghèo, 1 hộ cận nghèo, 115 hộ giàu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin