Giá lợn hơi giảm, người chăn nuôi thêm khó

Khánh Thiện 09:17, 18/03/2023

Thời điểm này, giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh đang ở mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua, chỉ dao động từ 40-45 nghìn đồng/kg. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi vẫn duy trì ở mức cao, chi phí sản xuất cũng tăng cao, khiến các hộ chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.

Do giá lợn giảm sâu nên nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã bổ sung thêm các loại thức ăn từ cám gạo, ngô, rau xanh… nhằm giảm tối đa chi phí.
Do giá lợn hơi giảm sâu nên nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã bổ sung thêm các loại thức ăn từ cám gạo, ngô, rau xanh… nhằm giảm chi phí.

Nguyên nhân khiến giá lợn hơi giảm mạnh là do thời gian qua, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, nguồn cung thị trường khá dồi dào, nhưng sức tiêu thụ thịt lợn tại các nhà hàng, quán ăn, khu công nghiệp... lại giảm xuống, vì nhiều doanh nghiệp giảm quy mô sản xuất, cắt giảm lao động. Ngoài ra, giá thịt lợn tại các nước, đặc biệt là Trung Quốc, giảm mạnh cũng đã tác động lớn đến giá thịt lợn trong nước.

Giá lợn giảm nhưng giá thức ăn chăn nuôi vẫn duy trì ở mức cao, cộng thêm các chi phí phòng, chống dịch bệnh tăng khiến người chăn nuôi đang phải gồng mình gánh lỗ. Anh Nguyễn Văn Thắng, chủ trang trại chăn nuôi ở xóm 11, xã Tân Linh (Đại Từ), giãi bày: Hiện nay, thương lái mua lợn của chúng tôi với giá 42 nghìn đồng/kg. Với mức giá này, bà con chúng tôi thua lỗ trung bình 800 nghìn/con lợn. Do vậy, nhà tôi đã cắt giảm đàn từ quy mô 2 nghìn con xuống còn 500 con/lứa.

Cắt giảm quy mô đàn, bổ sung thêm các loại thức ăn từ cám gạo, ngô, rau xanh… nhằm giảm tối đa chi phí, nuôi cầm chừng để chờ giá lên là các biện pháp mà nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang áp dụng.

Nhìn lại khoảng thời gian 2 năm qua, giá lợn hơi đã có biến động, lên xuống bất thường, gây nhiều khó khăn cho người chăn nuôi. Những tháng cuối năm 2020, đầu năm 2021, giá lợn hơi duy trì ở mức cao, khoảng 80-85 nghìn đồng/kg, giúp người chăn nuôi có lợi nhuận tốt. Tuy nhiên, từ quý II/2021, giá lợn hơi đã giảm sâu xuống dưới mức giá thành sản xuất, khiến người nuôi bị lỗ nặng. Đến đầu năm 2022, giá lợn hơi đã tăng trở lại do nước ta đã thích ứng an toàn, gắn với kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Còn từ sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đến nay, giá lợn có chiều hướng giảm và hiện ở mức thấp.

Theo ông Phạm Quang Phúc, Chủ tịch Hội Chăn nuôi - Thú y tỉnh: Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, trang trại cần tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để giảm giá thành sản xuất. Đồng thời, đầu tư công nghệ cao vào sản xuất, liên kết với các doanh nghiệp để đầu tư sơ chế, chế biến sản phẩm nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Năm 2023, Thái Nguyên phấn đấu giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 7.080 tỷ đồng, tăng 4,12% so với năm 2022; duy trì tổng đàn lợn với quy mô 600 nghìn con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt 220 nghìn tấn. Để đạt được mục tiêu trên, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân tiếp tục theo dõi thị trường để có kế hoạch chăn nuôi phù hợp, không nên giảm đàn ồ ạt, nhất là đàn lợn nái, khiến nguồn cung con giống bị đứt gãy, khi thị trường phục hồi sẽ không đủ giống để bổ sung, tái đàn.

Cùng với đó, các hộ chăn nuôi nên sử dụng các nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước, sẵn có tại địa phương, thay vì nguyên liệu nhập khẩu, để phối trộn, sản xuất thức ăn, nhằm giảm giá thành sản xuất, chi phí chăn nuôi. Đồng thời, chú trọng công tác vệ sinh chuồng trại, khử trùng tiêu độc, tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại trong chăn nuôi...



Trang home Mèo Cưng