Phát triển hợp tác xã trong làng nghề

Thanh Phong 09:41, 09/03/2023

Trong quá trình phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều hợp tác xã (HTX) được thành lập và hoạt động hiệu quả. Các HTX này không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần tích cực giữ gìn và phát huy giá trị các sản phẩm đặc trưng của từng địa phương.

Nhiều HTX trong tỉnh đã góp sức quảng bá, phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương 
Nhiều HTX trong tỉnh đã góp sức quảng bá, phát triển các sản phẩm truyền thống, chủ lực của địa phương.

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 271 làng nghề và làng nghề truyền thống, với các nhóm ngành nghề chính là: chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm; nghề thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ, mây tre đan; nghề gây trồng, kinh doanh sinh vật cảnh… Thời gian qua, các làng nghề đã thu hút, tạo việc làm cho trên 26.000 lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại theo hướng tích cực...

Tuy nhiên, các cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh trong làng nghề, làng nghề truyền thống vẫn chủ yếu hoạt động manh mún, nhỏ lẻ; khả năng huy động vốn hạn chế; sản phẩm của làng nghề hầu hết chưa có nhãn hiệu hàng hóa, chưa đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ; chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, thị trường tiêu thụ chủ yếu vẫn là nội tiêu...

Để khắc phục những hạn chế này, những năm gần đây, tại một số làng nghề đã hình thành mô hình HTX, HTX kiểu mới nhằm tập trung nguồn lực để phát triển các sản phẩm truyền thống, hàng hóa chủ lực.

Đơn cử như tại Làng nghề chè truyền thống xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên). Kể từ khi làng nghề được UBND tỉnh công nhận vào năm 2010 đến nay, trên địa bàn xóm đã có 8 HTX được thành lập và hoạt động thuộc lĩnh vực sản xuất, chế biến chè.

Anh Phạm Thanh Đăng, Trưởng Làng nghề chè truyền thống xóm Hồng Thái 2, cho biết: Trước đây, khi chưa có HTX, các hộ dân mạnh ai nấy làm, sản phẩm chè sau chế biến thường được đóng túi to bán thô cho các thương lái. Nhưng sau khi các HTX lần lượt ra đời, bà con thành viên làng nghề được tạo điều kiện tham gia nhiều lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, nâng cao tay nghề sản xuất, chế biến chè chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Các hộ cũng được Nhà nước hỗ trợ máy móc, vay vốn để cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm; tạo lập, sử dụng nhãn hiệu tập thể, dán tem truy suất nguồn gốc; cải tiến mẫu mã, bao bì…

Từ những sự hỗ trợ trên, thành viên của các HTX, làng nghề có thêm các cơ hội phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Hiện nay, sản phẩm chè xanh của thành viên HTX tại Làng nghề chè truyền thống xóm Hồng Thái 2 có giá bán cao gấp nhiều lần so với trước, bình quân từ 250-500 nghìn đồng/kg.

Người dân Làng nghề chè truyền thống xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) thu hái chè. Ảnh: T.L
Người dân Làng nghề chè truyền thống xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) thu hái chè. Ảnh: T.L

Cùng với việc phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, một số HTX còn góp phần gìn giữ, phát triển, quảng bá thương hiệu sản phẩm của làng nghề. Như tại HTX Dịch vụ sản xuất miến Việt Cường (xã Hóa Thượng, Đồng Hỷ), những gần đây, mỗi năm HTX xuất khẩu 4-5 tấn miến sang nước Úc.

Anh Đặng Quang Tân, Trưởng Làng nghề miến Việt Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Dịch vụ sản xuất miến Việt Cường, cho hay: Do làng nghề không phải là tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân nên rất hạn chế trong các giao dịch thương mại. Trong khi HTX lại giải quyết được vấn đề này nên dễ dàng tham gia các hoạt động giao dịch, ký kết hợp đồng, tạo lập nhãn hiệu với các siêu thị lớn trong nước và xuất khẩu sang nước ngoài. Hiện nay, HTX hoạt động hiệu quả, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định thường xuyên cho 10 thành viên, với mức thu nhập 4,5-5,5 triệu đồng/người/tháng…

Trên đây chỉ là hai trong hơn 100 HTX được thành lập bên trong các làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh. Các HTX này được đánh giá hoạt động có hiệu quả, góp phần tích cực quảng bá thương hiệu sản phẩm chủ lực của mỗi địa phương...

Để tiếp tục nhân rộng mô hình HTX trong các làng nghề, tạo động lực để các hộ dân làng nghề phát triển, theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh: Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành đơn vị địa phương chủ động tham mưu với UBND tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, phát triển HTX gắn với làng nghề; tập trung tư vấn thành lập HTX trong làng nghề, hỗ trợ HTX xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh nhằm tạo ra quy trình theo chuỗi giá trị; tăng cường liên kết thúc đẩy sản xuất của làng nghề, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, HTX...