Định Hóa: Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp tăng bình quân 4%/năm

Việt Dũng 15:15, 13/04/2023

Ngày 13-4, tại huyện Định Hóa, Đoàn công tác của UBND tỉnh đã kiểm tra kết quả thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 21/10/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030; các chương trình, đề án về phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn huyện.

Du khách chọn mua sản phẩm OCOP của huyện Định Hóa tại Nhà trưng bày ATK.
Du khách chọn mua sản phẩm OCOP của huyện Định Hóa tại Nhà trưng bày ATK.

Theo báo cáo, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của huyện Định Hóa trong những năm gần đây đều tăng bình quân 4%/năm; năm 2022 đạt 1.154 tỷ đồng, vượt kế hoạch 0,4%. Giá trị sản phẩm trên đất nông nghiệp năm 2022 đạt 105,1 triệu đồng/ha, đạt 100% kế hoạch, tăng 4,5 triệu đồng so với năm 2021.

Trong giai đoạn 2020-2022, một số loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của huyện đều tăng về diện tích, sản lượng, chất lượng được nâng cao. Cụ thể, diện tích lúa chất lượng cao, đặc sản (như Bao thai, J02, nếp Vải, nếp cái Hoa vàng...) đạt 5.228ha, vượt 20% so với kế hoạch đến năm 2025. Đối với cây chè đã có 364ha được cấp chứng nhận VietGAP (từ năm 2015-2022). Diện tích trồng rừng tập trung từ năm 2020 đến 2022 đạt 3.832ha, trong đó cây quế đạt gần 1.400ha, giá trị kinh tế từ rừng ngày càng tăng lên. Chăn nuôi được duy trì, phát triển, tổng đàn gia súc hiện nay đạt trên 46.000 con, gia cầm đạt gần 810.000 con…

Triển khai thực hiện Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, huyện Định Hóa phát triển 6 sản phẩm, gồm chè, quả na, thịt lợn, thịt và trứng gà, gỗ, quế. Thời gian qua, phần lớn các sản phẩm này đều có sự gia tăng về số lượng, chất lượng và giá trị kinh tế.

Người dân làng Saemaul Phú Ninh, xã Phú Đình (Định Hoá) thu hái chè. Ảnh: T.L
Người dân làng Saemaul Phú Ninh, xã Phú Đình (Định Hoá) thu hái chè. Ảnh: T.L

Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn huyện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Sản xuất quy mô lớn chậm phát triển; chưa có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung…

Đại diện Đoàn kiểm tra đề nghị trong thời gian tới, huyện tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương để các chương trình, đề án, dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản được triển khai nhanh chóng, đạt hiệu quả cao. Chú trọng phát triển chăn nuôi tập trung, nâng cao tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu kinh tế của huyện; phát triển các loại cây trồng chủ lực (như chè, quế, cây ăn quả) theo hướng hữu cơ và phù hợp với định hướng của tỉnh…