Giúp doanh nghiệp vượt khó khăn

Theo nhandan.vn 11:05, 30/05/2023

Kết quả khảo sát vừa được Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) công bố cho thấy các doanh nghiệp đang phải trải qua một giai đoạn đặc biệt khó khăn. Hàng loạt kiến nghị, đề xuất mang tính cấp bách từ cộng đồng doanh nghiệp cũng đã được đề xuất, hướng đến tháo gỡ các nút thắt ngay trước mắt nhằm củng cố niềm tin và gia tăng nội lực để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn nhiều thách thức hiện nay.

Công nhân Công ty cổ phần Nam Tiệp (Cụm công nghiệp An Xá, thành phố Nam Ðịnh, tỉnh Nam Ðịnh) may quần áo xuất khẩu.
Công nhân Công ty cổ phần Nam Tiệp (Cụm công nghiệp An Xá, thành phố Nam Ðịnh, tỉnh Nam Ðịnh) may quần áo xuất khẩu.

4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp cả nước (IIP) giảm 1,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,8%). Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm cũng ở 11 địa phương, trong đó có những nơi là trọng điểm sản xuất của cả nước. Tương tự, xuất khẩu 4 tháng ước đạt 107,16 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 17,1%). Hoạt động thương mại, đầu tư quốc tế tăng trưởng chậm khiến tổng cầu giảm sút, nhu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn giảm mạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp.

Khó khăn chồng chất

Báo cáo kết quả khảo sát (với sự tham gia của gần 10 nghìn doanh nghiệp) vừa được Ban IV trình Thủ tướng Chính phủ đã phản ánh bức tranh mầu xám về tình hình hoạt động của doanh nghiệp hiện nay. Theo đó, có đến 81,4% số doanh nghiệp được khảo sát đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2023. Các đánh giá tích cực chỉ chiếm 4,2% số doanh nghiệp tham gia khảo sát.

Tương tự, có đến 83,7% số doanh nghiệp đánh giá triển vọng kinh tế ngành năm 2023 là tiêu cực/rất tiêu cực và trong bức tranh chung đó, doanh nghiệp ngành xây dựng; doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện mức độ đánh giá tiêu cực hơn hết.

Với triển vọng như vậy, có đến 82,3% số doanh nghiệp tham gia khảo sát dự kiến sẽ phải giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023.

Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến ngừng kinh doanh, chờ giải thể là 10,9%; dự kiến tạm ngừng kinh doanh là 12,4%; dự kiến giảm nhẹ quy mô là 20,5% và dự kiến giảm mạnh quy mô lên tới 38,5%. Trong khi đó, khối doanh nghiệp nhà nước có triển vọng ít tiêu cực hơn khi tỷ lệ dự kiến ngừng kinh doanh và chờ giải thể, tạm ngừng kinh doanh, giảm quy mô chỉ ở mức 61,8%; riêng tỷ lệ doanh nghiệp nhà nước dự kiến ngừng/tạm ngừng kinh doanh là 10,5%. Kinh doanh kém hiệu quả cũng khiến hơn 80% số doanh nghiệp dự kiến sẽ phải giảm doanh thu, trong đó tỷ lệ giảm hơn 50% là khoảng một phần ba số doanh nghiệp tham gia khảo sát.

Ðiều này dẫn đến hệ lụy là hơn 70% số doanh nghiệp đã phải lên kế hoạch giảm quy mô lao động, trong đó có 22,2% doanh nghiệp dự kiến giảm hơn một nửa số lao động hiện có.

Ðiều đáng nói là ở bối cảnh khó khăn như vậy, sự hỗ trợ của chính quyền nhiều địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn khi có đến 84% số doanh nghiệp đánh giá hiệu quả điều hành và hỗ trợ của chính quyền địa phương ở mức kém hiệu quả.

Dự báo của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho thấy, thị trường hàng hóa thế giới trong năm 2023 và 2024 không có nhiều điểm tích cực. Chỉ số thương mại hàng hóa trong báo cáo của tổ chức này đã giảm từ 96,2 điểm trong tháng 11/2022 xuống còn 92,2 điểm trong tháng 3/2023. Sự suy giảm này đã được dự báo từ trước và sẽ không kết thúc trong năm 2023.

Bên cạnh đó, lãi suất ở thời điểm Ban IV khảo sát theo phản ánh của doanh nghiệp vẫn ở mức hơn 10%. Với mức lãi suất này, phần lớn doanh nghiệp rất khó tiếp cận được các kênh tín dụng. Ðồng thời, thách thức trong việc tuân thủ các thủ tục hành chính cũng được nhiều doanh nghiệp phản ánh, nhất là thủ tục hoàn thuế hay phòng cháy, chữa cháy.

Tháo gỡ các nút thắt

Kết quả khảo sát của Ban IV cho thấy hoạt động điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận là rất quyết liệt, kịp thời, bám sát những khó khăn của doanh nghiệp cũng như của nền kinh tế.

Tuy nhiên, khâu triển khai chính sách, truyền thông chính sách và hiệu quả thực thi lại chưa tương xứng với những quyết tâm và hành động đó, vì vậy, cần cải thiện mạnh mẽ hơn trong thời gian tới để thật sự đem lại giá trị cho doanh nghiệp. Ðể đạt được mục tiêu này, Ban IV kiến nghị cần nghiên cứu đẩy mạnh các quy trình công bố, công khai chính sách, thủ tục hành chính, bảo đảm sự minh bạch và thống nhất trên toàn quốc; tuân thủ các quy định về thủ tục hành chính để hạn chế tối đa sự tùy nghi trong thực thi, tạo thuận lợi không chỉ cho doanh nghiệp mà cho cả cán bộ, công chức giải quyết chính sách, thủ tục hành chính.

Mặt khác, khó khăn hiện tại đối với doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đến từ chu kỳ khó khăn của kinh tế thế giới mà còn do những vấn đề nội tại. Ðây là thách thức rất lớn, nhưng cũng mở ra cơ hội để Chính phủ thực hiện những cải cách triệt để nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cũng như sản lượng kinh tế trong dài hạn; trong đó, tập trung ưu tiên các định hướng được nhiều tổ chức, chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế đã khuyến nghị, bao gồm: Ðẩy mạnh đầu tư công, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia, nhất là chú trọng hạ tầng kết nối giữa các trung tâm kinh tế với các địa phương lân cận để tạo cơ hội thu hút làn sóng đầu tư tư nhân, đầu tư FDI thế hệ mới; cải thiện chất lượng giáo dục đại học theo hướng hiện đại và đào tạo nghề theo hướng linh hoạt, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ đó tăng năng suất lao động; thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc xây dựng Chính phủ số, quản trị dựa trên dữ liệu gắn với xây dựng nền hành chính hiện đại, kỷ cương, phục vụ, hiệu quả và minh bạch; xây dựng các chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân một cách thực chất, có trọng tâm, trọng điểm; chuyển đổi nền kinh tế theo hướng xanh và tuần hoàn.

Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, cho áp dụng kéo dài thời hạn các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả trong giai đoạn Covid-19, bao gồm việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2025 thay vì chỉ hết năm 2023; đẩy nhanh việc hoàn thuế cho doanh nghiệp, tránh kéo dài như hiện nay; đưa thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp xuất khẩu về mức 5-10% để tạo sức cạnh tranh với doanh nghiệp các nước khác.

Ðồng thời, Chính phủ nghiên cứu gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực, trong đó có những khoản mục dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; không siết tín dụng với các nhóm bất động sản liên quan đến xây dựng nhà ở xã hội, bệnh viện, trường học, hạ tầng sản xuất; xem xét giảm mạnh lãi suất vay cho thuê, mua nhà ở xã hội.

Các đơn vị quản lý nhà nước cũng cần phát huy trọng tâm vai trò của ngoại giao kinh tế và đàm phán thương mại vào việc phát triển, đa dạng hóa thị trường đầu vào cũng như đầu ra để hỗ trợ doanh nghiệp giảm sự phụ thuộc các thị trường truyền thống; nghiên cứu xây dựng các kênh thông tin tập trung để phân tích, dự báo về các xu hướng kinh tế, kinh doanh quốc tế; cập nhật các ưu đãi phát triển và cảnh báo rủi ro cho doanh nghiệp;…

Về vấn đề này, Thứ trưởng Công thương Ðỗ Thắng Hải cho biết, thời gian tới Bộ Công thương sẽ tập trung đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như: Ấn Ðộ, châu Phi, Trung Ðông hay Mỹ La-tinh, Ðông Âu cũng như các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan như ASEAN; quyết liệt đột phá vào các thị trường mới, nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng như: Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico,…

Cùng với đó, Bộ cũng tập trung phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất thông qua các giải pháp về ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, tháo gỡ khó khăn về vốn, tạo thuận lợi trong tiếp cận tín dụng để doanh nghiệp có thêm nguồn lực phục hồi và phát triển.