Trên địa bàn TP. Phổ Yên hiện có hơn 70ha chè sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP (chiếm trên 4% trong tổng diện tích). Việc triển khai mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chè, tăng thu nhập cho người dân và bảo vệ môi trường sinh thái.
Sản phẩm chè VietGAP của người dân được Hợp tác xã chè Phúc An, xóm Phúc Tài, xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên) thu mua. |
Là địa phương có hơn 197ha chè, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Minh Đức (TP. Phổ Yên) đã tập trung phát triển sản xuất theo hướng VietGAP. Đến nay, xã có 25ha chè được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, với sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt trên 50 tấn (tăng 15% so với trước đây).
Chị Phạm Thị Thơm, ở xóm Lầy 5, xã Minh Đức - một hộ có nhiều năm kinh nghiệm trồng chè VietGAP, chia sẻ: Gia đình tôi có khoảng 1ha chè VietGAP. So với cách làm truyền thống, khi sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, quy trình được kiểm soát chặt chẽ hơn, cụ thể như: Ghi chép nhật ký từ khâu làm đất, ươm giống, bón phân đến thu hái, chế biến; phun thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng, đúng thời gian... Từ việc thực hiện tốt các khâu này, cây chè sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, ít sâu bệnh. Chi phí sản xuất cũng được giảm bớt, giá trị sản phẩm được nâng lên. Hiện nay, giá bán 1kg chè búp khô dao động từ 300 đến 400 nghìn đồng/kg, cao hơn 30% so với chè sản xuất theo phương pháp truyền thống.
Còn tại xã Phúc Thuận hiện có 6 tổ hợp tác sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, với tổng diện tích 60ha, tạo việc làm cho trên 1.000 lao động. Những năm gần đây, từ nhiều nguồn lực khác nhau, thành viên các tổ hợp tác này đã được hỗ trợ vay vốn, đầu tư hệ thống tưới phun sương tự động để mở rộng diện tích, nâng cao hiệu quả sản xuất chè VietGAP.
Anh Trần Văn Hà, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất chè an toàn VietGAP Hang Dơi, xã Phúc Thuận, cho biết: Tổ hợp tác được thành lập năm 2021, đến nay có 27 thành viên, với diện tích sản xuất trên 30ha chè. Tham gia Tổ hợp tác, các thành viên được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến và bảo quản chè; hoàn thiện thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận sản xuất chè an toàn VietGAP. Ngoài ra, có 7 thành viên được hỗ trợ vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân thuộc Dự án "Cải tạo, thâm canh tăng năng suất chè tiêu chuẩn VietGAP", với tổng số tiền 350 triệu đồng...
Thành viên Tổ hợp tác sản xuất chè VietGAP xóm Lầy 5, xã Minh Đức (TP. Phổ Yên) thu hái chè. |
Chị Nguyễn Thị Hằng, thành viên Tổ hợp tác sản xuất chè an toàn VietGAP Hang Dơi, chia sẻ: Năm 2022, tôi được vay 50 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (thời hạn vay 5 năm, với mức lãi suất ưu đãi) để sản xuất chè VietGAP. Đến nay, gia đình tôi có hơn 1 mẫu chè VietGAP. Với giá bán trung bình gần 300 nghìn đồng/kg chè búp khô, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập khoảng 250-300 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 100 triệu đồng.
Từ thực tế cho thấy, việc trồng và chế biến chè VietGAP vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe của người sản xuất, tiêu dùng. Với ý nghĩa đó, nhằm mở rộng diện tích chè VietGAP, những năm qua, TP. Phổ Yên đã vận động các hộ dân đăng ký tham gia tập huấn về kỹ thuật canh tác, hướng dẫn ghi chép nhật ký sản xuất; được hỗ trợ 100% chi phí lần đầu cấp giấy chứng nhận VietGAP (6 triệu đồng/ha), hỗ trợ vật tư để lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm trên diện tích khoảng 45ha... Nhờ đó, diện tích chè VietGAP của địa phương tăng qua từng năm.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song việc phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất chè an toàn trên địa bàn TP. Phổ Yên vẫn đang gặp khó khăn. Hiện nay, một số diện tích trồng chè còn manh mún nên địa phương gặp hạn chế trong việc hướng dẫn sản xuất theo đúng quy trình; chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh chè; vẫn còn một bộ phận người dân sản xuất chạy theo số lượng, chưa chú trọng thời gian cách ly sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân vi sinh…
Để mở rộng diện tích chè VietGAP, thời gian tới, TP. Phổ Yên tiếp tục triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân, như: Hỗ trợ kinh phí cấp giấy chứng nhận VietGAP lần đầu cho 30ha chè; hỗ trợ cấp lại giấy chứng nhận cho 60ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ công nghệ tưới chè tiết kiệm với tổng diện tích 100ha, quy mô sản xuất tối thiểu từ 2ha trở lên; tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ sản xuất chè VietGAP chú trọng đầu tư mở rộng vùng sản xuất, nâng cao thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm cho bà con nhân dân…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin