Khi doanh nghiệp “bắt tay” với nông dân

Thành Nam 12:33, 10/06/2023

Nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và đủ sức cạnh tranh trên thị trường, Hợp tác xã (HTX) Tâm Trà Thái (TP. Thái Nguyên) đã “bắt tay” với bà con nông dân huyện Định Hóa để tạo vùng chuyên canh lúa bao thai theo hướng VietGAP, phục vụ sản xuất mỳ gạo. Từ đó hình thành chuỗi sản xuất hàng hóa, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người dân.

Bà Hoàng Thị Tân giới thiệu đến khách hàng sản phẩm mỳ của HTX tại Hội chợ triển lãm Công Thương - OCOP năm 2023.
Bà Hoàng Thị Tân giới thiệu đến khách hàng sản phẩm mỳ của HTX tại Hội chợ triển lãm Công Thương - OCOP năm 2023.

Gạo bao thai Định Hóa từ lâu đã được người dân trong và ngoài tỉnh biết đến bởi chất lượng, có hạt tròn, trắng, dẻo, thơm. Sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Bằng bảo hộ Nhãn hiệu tập thể năm 2007.

Chính nhờ những ưu điểm này, ngoài là lương thực hằng ngày, gạo bao thai còn được các hộ gia đình, HTX sử dụng làm nguyên liệu để chế biến ra các sản phẩm như: Mỳ, bún khô, bánh phở, bánh cuốn...

Trên địa bàn huyện Định Hóa, mặc dù sản phẩm mỳ gạo đã được người dân sản xuất từ rất lâu, nhưng chủ yếu là phương pháp thủ công với quy mô nhỏ, tiêu thụ tự do, chưa tạo được thương hiệu nên đầu ra thiếu ổn định, giá bán thấp, khó cạnh tranh.

Với mong muốn tạo ra sản phẩm mang đặc trưng của địa phương, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, HTX Tâm Trà Thái đã “bắt tay” với các hộ nông dân tại xã Kim Phượng (Định Hóa) để tạo ra vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng phục vụ sản xuất mỳ gạo bao thai.

Sau khi thu hoạch, sản phẩm gạo bao thai được HTX Tâm Trà Thái bao tiêu toàn bộ. Ảnh: T.L

Theo đó, vụ mùa năm 2022, HTX đã liên kết với với 30 hộ dân tại xã Kim Phượng để sản xuất lúa bao thai theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Nguyễn Hữu Đẩu, xóm Bản Ngói, chia sẻ: Mọi kỹ thuật từ khâu làm đất, gieo cấy, bón phân, chăm sóc đến sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, chúng tôi đều được cán bộ khuyến nông của xã và HTX Tâm Trà Thái hướng dẫn thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau khi thu hoạch được HTX bao tiêu toàn bộ.

Song song với việc tạo vùng nguyên liệu, HTX Tâm Trà Thái đã liên kết với Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) để cung cấp nhà xưởng sản xuất, cũng như lao động đã qua đào tạo.

Bà Hoàng Thị Tân, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Tâm Trà Thái, cho biết: Được sự giúp đỡ của tỉnh, vừa qua, chúng tôi đã đầu tư trang thiết bị trị giá hơn 2 tỷ đồng để sản xuất mỳ gạo. Tất cả các khâu trong quá trình sản xuất từ xay bột, làm mỳ, sấy, đóng gói đều sử dụng máy. Qua đó khắc phục những hạn chế so với sản xuất thủ công như: Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; giảm thiểu ô nhiễm môi trường; không còn phụ thuộc vào thời tiết trong quá trình làm khô mỳ. Ngoài ra còn khắc phục được tình trạng sợi mỳ bị đỏ, dính bụi bẩn trong quá trình phơi.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, tháng 2/2023, HTX Tâm Trà Thái đã đưa sản phẩm mỳ gạo bao thai Định Hóa ra thị trường và được đông đảo người tiêu dùng đón nhận.

Bà Hoàng Thị Tân cho hay: Để quảng bá mỳ gạo của HTX, chúng tôi đã giới thiệu sản phẩm tại nhiều triển lãm, hội chợ trong và ngoài tỉnh. Nhiều khách hàng sau lần đầu mua dùng thử 1-2kg, thấy ngon nên đã liên hệ đặt thêm hàng chục kg. Hiện nay, trung bình HTX sản xuất khoảng 700kg mỳ/ngày, với giá bán 70 nghìn đồng/kg (cao gấp đôi so với mỳ sản xuất theo phương pháp truyền thống).

Là khách hàng quen thuộc của HTX Tâm Trà Thái, bà Nguyễn Thị Oanh, xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên), nói: Khi tham quan mua sắm tại Hội chợ triển lãm Công Thương - OCOP năm 2023, tôi thấy HTX Tâm Trà Thái có bán sản phẩm mỳ làm từ gạo bao thai Định Hóa, đóng gói với bao bì đẹp, bắt mắt nên đã mua 2 gói về dùng thử. Khi chế biến, tôi thấy mỳ không bị bở, nát mà có độ dai, dẻo, mềm và thơm ngon hơn nhiều loại mỳ khác. Các thành viên trong gia đình đều rất thích, vì thế tôi đã liên hệ để mua thêm 20kg.

Từ những thành công bước đầu, vụ mùa năm nay, HTX tâm Trà Thái chính thức hợp tác với 32 hộ dân tại các xóm Bản Lác, Bản Ngói của xã Kim Phượng để sản xuất 15ha lúa bao thai theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, HTX ưu tiên các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ do phụ nữ làm chủ, hộ yếu thế. Tham gia liên kết sản xuất lúa, các hộ dân sẽ được hỗ trợ về cây giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật… Sau khi thu hoạch, ngoài lượng gạo bà con dùng để làm lương thực hằng ngày, số còn lại sẽ được HTX bao tiêu toàn bộ.

Ông Nguyễn Hữu Hòa, Trưởng xóm Bản Nác, xã Kim Phượng, Tổ trưởng Tổ sản xuất lúa bao thai VietGap, cho biết: Mọi thành viên trong Tổ hợp tác đều rất phấn khởi khi liên kết với HTX để sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Chúng tôi không chỉ được bao tiêu đầu ra với giá bằng hoặc cao hơn giá thị trường mà còn tạo ra được nguồn gạo đảm bảo an toàn, chất lượng, đạt tiêu chuẩn, được gắn mã vạch vùng trồng... từ đó giúp nhiều người biết đến, cũng như có thể bán được giá cao hơn trước. Đây là động lực giúp chúng tôi yên tâm sản xuất trên chính mảnh đất của mình mà không phải lo lắng đầu ra, giá cả bấp bênh.

Có thể thấy, việc liên kết nông dân và doanh nghiệp mang lại lợi ích thiết thực cho cả 2 bên. Liên kết giúp bà con nông dân hình thành các vùng nguyên liệu chất lượng cao, đồng thời nâng cao giá trị nông sản, gia tăng thu nhập. Còn doanh nghiệp chủ động được nguồn cung, kiểm soát được chất lượng nguyên liệu, tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.