Hội Nông dân huyện Đồng Hỷ hiện có trên 14.700 hội viên, sinh hoạt ở 15 hội cơ sở. Nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế hợp tác trong phát triển nông nghiệp bền vững, những năm gần đây, Hội đã tích cực vận động hội viên thay đổi tư duy, chuyển đổi từ kinh tế hộ sang kinh tế hợp tác, thành lập các nhóm liên kết, tổ nghề nghiệp, hợp tác xã (HTX).
Từ hộ sản xuất - kinh doanh giỏi với mô hình trồng tre Lục Trúc lấy măng, anh Lâm Xuân Quang (bên trái), ở xã Cây Thị (Đồng Hỷ) đã liên kết với các hộ dân trong xã thành lập HTX nông sản Vạn Lộc. |
Anh Lâm Xuân Quang, ở xóm Cây Thị, xã Cây Thị, là một tấm gương nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tiêu biểu của huyện Đồng Hỷ, với mô hình trồng tre Lục Trúc lấy măng. Quy mô mô hình của gia đình anh lên tới 4ha, với 4.000 gốc tre, cho thu hoạch từ 15-17 tấn măng/ha/năm, thu lãi trên 200 triệu đồng/năm.
Nhận thấy hướng đi này đạt hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện ở địa phương, lại được sự tuyên truyền, định hướng của các cấp Hội Nông dân, năm 2022, anh Quang đã đứng ra thành lập HTX nông sản Vạn Lộc với 12 thành viên, trồng trên 10ha tre Lục Trúc.
Anh Quang chia sẻ: Tre Lục Trúc là cây trồng mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Song ở địa phương vẫn chỉ có các mô hình trồng tre Lục Trúc lấy măng nhỏ lẻ, manh mún, chưa xây dựng thành vùng sản xuất hàng hoá lớn, tập trung. Việc liên kết các hội viên nông dân, thành lập HTX là tiền đề để thực hiện hoá mục tiêu trên.
Tham gia HTX, các thành viên được tập huấn kiến thức, mở rộng tầm nhìn trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng thương hiệu sản phẩm từ việc sản xuất an toàn, theo hướng hữu cơ, đảm bảo sức khoẻ người tiêu dùng; được hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm kỹ thuật trồng trọt, giới thiệu quảng bá, bao tiêu sản phẩm cho các đầu mối thu mua. Thông qua tổ chức Hội Nông dân, HTX nông sản Vạn Lộc cũng dễ dàng tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất, như nguồn vốn 1 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, vốn từ Liên minh HTX tỉnh...
Đến nay, sau nhiều nỗ lực của anh Quang và các thành viên, HTX nông sản Vạn Lộc đã thu được những kết quả nhất định. Sản phẩm măng tre Lục Trúc của HTX được cấp chứng nhận VietGAP, 100% diện tích sản xuất được cấp mã số vùng trồng; HTX được phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ công nhận là đơn vị đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất - kinh doanh. Sản phẩm măng tre tiêu thụ dễ dàng, giá thành ổn định khiến ai nấy đều vui mừng, tin tưởng vào hướng đi của HTX.
Anh Quang chỉ là một trong nhiều nông dân trên địa bàn Đồng Hỷ chuyển đổi thành công từ mô hình kinh tế hộ sang kinh tế hợp tác. Theo bà An Thị Hương, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Hỷ: Với vai trò của mình, chúng tôi luôn động viên, hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống thông qua phong trào “Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu giảm nghèo bền vững”. Dựa trên số các mô hình kinh tế hiệu quả và vẫn còn nhiều tiềm năng, chúng tôi tuyên truyền vận động, định hướng các hộ đẩy mạnh liên kết sản xuất, thành lập các HTX, tổ liên kết, tổ nghề nghiệp. Bởi đây là hướng đi tất yếu, đem lại hiệu quả lâu dài. Đồng thời, Hội cũng vận động nông dân nâng cao chất lượng nông sản, bảo đảm các tiêu chí về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; xây dựng nông sản thành sản phẩm đặc trưng, chủ lực của địa phương.
Nhờ vậy, từ năm 2018 đến nay, toàn huyện Đồng Hỷ có 35 mô hình kinh tế tập thể ở các lĩnh vực chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp, nông sản do Hội Nông dân các cấp trực tiếp, phối hợp hỗ trợ, hướng dẫn thành lập. Trong đó có 9 HTX; 18 tổ hợp tác, 8 tổ nghề nghiệp, tập trung tại thị trấn Hoá Thượng và các xã Cây Thị, Văn Hán, Quang Sơn, Hoà Bình, Hợp Tiến...Các mô hình này đều hoạt động hiệu quả.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả các mô hình kinh tế tập thể, Hội Nông dân huyện chủ động phối hợp với các đơn vị chuyên môn để tập huấn, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân. Giai đoạn 2028-2022, các cấp Hội đã trực tiếp và phối hợp đào tạo 21 lớp dạy nghề, 250 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 13.000 lượt hội viên; tổ chức cho các HTX, làng nghề tham gia nhiều chương trình hội chợ, quảng bá tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh; phối hợp với Bưu điện huyện Đồng Hỷ và Viettel Thái Nguyên giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn…
Hội Nông dân huyện Đồng Hỷ cũng nhận uỷ thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cho 7.073 hội viên, nông dân vay vốn, với tổng dư nợ 607 tỷ đồng; thực hiện quản lý và vận hành hiệu quả nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân với tổng số tiền 5,8 tỷ đồng, thuộc 11 dự án và 113 hộ vay để đầu tư, mở rộng sản xuất...
Từ những kết quả đạt được, thời gian tới, Hội Nông dân huyện Đồng Hỷ tiếp tục sát cánh với bà con nông dân để thành lập thêm các mô hình kinh tế tập thể. Từ đó góp phần xây dựng các vùng sản xuất tập trung, đưa sản phẩm nông nghiệp của địa phương ngày càng vươn xa.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin