Không phải ngẫu nhiên mà tại Hội nghị cấp cao Việt Nam-Hoa Kỳ về đổi mới sáng tạo và đầu tư, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhắc lại câu chuyện cách đây hơn 30 năm, khi các nhà đầu tư Hoa Kỳ đến Việt Nam đã nói rằng Hoa Kỳ đã đầu tư thì sẽ trở thành nhà đầu tư lớn nhất.
Hội nghị cấp cao Việt Nam - Hoa Kỳ về đổi mới sáng tạo và đầu tư. |
Từ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joe Biden cùng với việc nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình, Hợp tác và Phát triển bền vững cho thấy, đây chính là thời điểm thích hợp để hai nước cùng nhau hiện thực hóa được mục tiêu và kế hoạch đã đặt ra.
Nhân dịp này, nhiều thương vụ tỷ USD đã được ký kết. Trong lĩnh vực hàng không, Vietnam Airlines và Boeing đã ký bản ghi nhớ về việc chào bán 50 máy bay thân hẹp 737 Max với giá trị 10 tỷ USD; hãng hàng không Vietjet ký thỏa thuận tài trợ máy bay với giá trị 0,55 tỷ USD với Tập đoàn tài chính Carlyle. Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, Tập đoàn Tài chính Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (DFC) đã ký các cam kết khoản vay song phương trị giá 300 triệu USD và 100 triệu USD nhằm củng cố nền tảng vốn, thúc đẩy hoạt động tài chính bền vững phù hợp với chiến lược phát triển của hai ngân hàng thương mại Việt Nam.
Về phía các doanh nghiệp trong nước, Tập đoàn FPT đã công bố hợp tác chiến lược toàn diện với LandingAI-công ty trong lĩnh vực thị giác máy và trí tuệ nhân tạo tại Silicon Valley (Mỹ) nhằm đẩy nhanh quá trình đưa trí tuệ nhân tạo vào đào tạo tại hệ thống giáo dục FPT Education. Với những khoản đầu tư liên tục, FPT kỳ vọng tạo ra hơn 3.000 việc làm năm 2028 và đạt doanh thu 1 tỷ USD từ thị trường Hoa Kỳ vào năm 2030.
Trước đó, vào tháng 3/2023, hơn 50 doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ như Apple, Microsoft, Boeing, Meta, Google... đã sang Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh với trọng tâm hợp tác đặt vào lĩnh vực kinh tế số, kinh tế sáng tạo và chuyển đổi năng lượng xanh.
Tính đến ngày 20/8/2023, Hoa Kỳ có 1.286 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 11,7 tỷ USD, đứng thứ 11 trong danh sách 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Kết quả này được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa hai nước. Định hướng của Việt Nam trong giai đoạn tới là thu hút đầu tư có chọn lọc hướng đến phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.
Theo đó ưu tiên các dự án như công nghệ cao, điện tử, bán dẫn, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydrogen), trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ hiện đại, xây dựng kết cấu hạ tầng, hoạt động nghiên cứu và phát triển,... đó cũng là những lĩnh vực mà Hoa Kỳ có tiềm năng và thế mạnh.
Để biến cơ hội thành hiện thực và đón sóng đầu tư chất lượng cao từ Hoa Kỳ, Việt Nam cần chú trọng giải quyết những vấn đề đang gây khó khăn cho hoạt động thu hút vốn FDI như: Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa yêu cầu về giấy phép lao động; chính sách visa cho nhà đầu tư; cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, hạ tầng; bảo đảm tính dự báo, dễ tiên lượng, ổn định của cơ chế, chính sách...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin