Nắm bắt xu hướng tiêu dùng sản phẩm xanh, sạch của khách hàng, cũng như nhằm đảm bảo sức khỏe cộng đồng, cân bằng môi trường sinh thái, từ năm 2020, HTX chè Thủy Thuật, xã Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên) đã chuyển từ làm chè VietGAP sang canh tác chè hữu cơ, với diện tích 5ha.
Các đơn vị, tổ hợp tác sản xuất chè trên địa bàn tỉnh đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm sản xuất chè hữu cơ tại HTX chè Thủy Thuật. |
Anh Ngô Viết Thuật, Giám đốc HTX chè Thủy Thuật, cho biết: HTX được thành lập tháng 6-2017, với 15 thành viên, chuyên sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích 7ha. Đến năm 2020, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên, 5/7ha diện tích sản xuất chè của HTX được thay đổi toàn bộ quy trình chăm sóc từ khâu bón phân, phun tưới, đảm bảo 100% không sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật. Không có bất kỳ chất tạo màu, tạo hương, tạo vị nào trong quá trình chế biến.
Dẫn chúng tôi đi thăm đồi chè phía sau nhà, chị Nguyễn Thị Thủy, thành viên HTX, giới thiệu: Toàn bộ diện tích chè canh tác hữu cơ được chúng tôi phân thành các lô để dễ quản lý, theo dõi, đảm bảo từng khâu phải được chăm sóc kỹ lưỡng, tỉ mỉ. Về bón phân, mỗi năm đồi chè sẽ được đào rãnh để bón phân chuồng ủ mục 2 lần, vào khoảng tháng 1 và đầu tháng 5. Sau đó sẽ bón rải gốc chè bằng phân hữu cơ. Sau mỗi lứa hái từ 10-15 ngày, bà con tiếp tục bón hỗn hợp gồm đậu tương nghiền trộn đường hoặc mật mía, bột ngô trộn với men vi sinh, ủ trong vòng 10 ngày.
Ngoài ra, cây chè có thể được bón đạm cá, chuối ủ để thay thế. Khi phát hiện cây chè bị sâu bệnh, dùng các chế phẩm vi sinh xua đuổi sinh học, thảo mộc. Các thành viên HTX cũng dùng vỏ cây keo, cây guột để vùi vào gốc chè nhằm tránh cỏ dại mọc lên và giữ ẩm, tạo độ phì nhiêu cho đất.
Theo lời chị Thủy, khi mới áp dụng canh tác hữu cơ, các thành viên trong HTX phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều. Bởi làm chè hữu cơ cần bỏ nhiều công sức nhưng năng suất chè giảm hẳn trong vòng hơn 1 năm đầu. Cụ thể, nếu trước 1 sào chè, bình quân thu được khoảng 22kg chè khô, thì giờ chỉ được từ 12-15kg. Thị trường lúc đó nhiều người chưa quan tâm đến chè hữu cơ, khách buôn giảm hẳn...
Nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của cán bộ khuyến nông cũng như sự kiên trì của bà con, đến nay, cây chè đã sinh trưởng, phát triển ổn định, chất lượng, giá thành chè được nâng lên. Sản phẩm chè của HTX hiện đã có mặt trên nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử. Hiện nay, HTX tiêu thụ trên 5 tấn chè búp khô/năm, với giá bán từ 250 nghìn đồng đến 3 triệu đồng/kg, tuỳ từng sản phẩm. Theo tính toán, trung bình 1ha chè hữu cơ đạt trên 475 triệu đồng/năm, cao hơn sản xuất thông thường 120 triệu đồng.
Theo đánh giá của các thành viên HTX, khi sản xuất chè hữu cơ, hệ sinh thái nương chè đã được cải thiện đáng kể, đất đai trở nên phì nhiêu hơn. Ngoài ra, bà con cũng yên tâm hơn khi sản xuất, không lo ảnh hưởng đến sức khỏe. Không khí trong khu vực không còn bị ô nhiễm.
Với những nỗ lực của Ban Giám đốc và các thành viên, đến nay, HTX chè Thủy Thuật đã có các sản phẩm chè được chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao. Vùng chè của HTX được chứng nhận mã số vùng trồng... Đặc biệt, cuối năm 2022, sản phẩm chè của HTX được các đơn vị chuyên môn chứng nhận là sản phẩm hữu cơ phù hợp với các yêu cầu tiêu chuẩn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam; được Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ năm 2023...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin