Nâng cao giá trị sản phẩm chè từ các làng nghề

Vi Vân 16:20, 27/10/2023

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm chè, những năm qua, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ dân tại các làng nghề, làng nghề chè truyền thống trên địa bàn huyện Đại Từ đã chủ động chuyển đổi cơ cấu giống, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm.

Người dân xóm Chính Phú 1, xã Phú Xuyên (Đại Từ) thu hái chè.
Người dân Làng nghề chè truyền thống xóm Chính Phú 1, xã Phú Xuyên (Đại Từ) thu hái chè.

Huyện Đại Từ hiện có 53 làng nghề chè tại 16 xã, thị trấn (trong đó có 39 làng nghề chè truyền thống), với gần 5.000 hộ làm nghề, tổng diện tích chè là trên 2.000ha. Theo ông Triệu Hồ Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện: Hàng năm, Phòng đều phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức tập huấn cho các thành viên ban quản lý làng nghề chè về kiến thức sản xuất, chế biến chè an toàn; hướng dẫn các làng nghề, làng nghề chè truyền thống thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã và sản xuất chè theo quy trình VietGAP, hữu cơ; hỗ trợ các làng nghề liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đăng ký thương hiệu sản phẩm…

Ông Phạm Văn Nguyên, Trưởng làng nghề chè truyền thống xóm Chính Phú 1, xã Phú Xuyên, chia sẻ: Xóm có 78 hộ làm chè thì có đến 61 hộ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó có 31 hộ sản xuất chè theo cả quy trình VietGAP và hữu cơ, với diện tích 22ha. Trong sản xuất, chúng tôi luôn tuyên truyền bà con sử dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học; không sử dụng phân bón hoá học, đặc biệt tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ...

Đối với các hộ làm nghề cũng giám sát nhau trong quá trình sản xuất để làm ra những sản phẩm chè đảm bảo an toàn, chất lượng. Trung bình mỗi năm, sản lượng chè búp tươi của Làng nghề chè truyền thống xóm Chính Phú 1 đạt khoảng 310 tấn, giá bán chè búp khô dao động từ 250 đến 500 nghìn đồng/kg.

Tương tự, các làng nghề, làng nghề chè truyền thống khác trên địa bàn huyện Đại Từ đã chú trọng chuyển đổi giống chè, đầu tư nhà xưởng, máy móc (máy hút chân không, tôn sao chè bằng điện, máy vò chè…), áp dụng khoa học kỹ thuật vào các khâu sản xuất nhằm giảm nhân công, tiết kiệm thời gian, nâng cao giá trị sản phẩm…

Theo số liệu từ cơ quan chuyên môn huyện Đại Từ, diện tích chè giống mới tại các làng nghề, làng nghề chè truyền thống trên địa bàn chiếm trên 80% tổng diện tích (tăng 20% so với năm 2018). Diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 1.600ha, quy trình hữu cơ là 15ha.

Năm 2022, năng suất chè của toàn huyện đạt 110-115 tạ/ha/năm (tăng 20-25 tạ/ha so với năm 2018). Giá trị sản phẩm thu được trên 1ha chè đạt trên 200 triệu đồng, thu nhập bình quân của người dân tại các làng nghề, làng nghề chè truyền thống đạt 6 triệu đồng/người/tháng (cao hơn 1 triệu đồng so với năm 2018).

Cũng trong năm 2022, tổng doanh thu của các làng nghề, làng nghề chè truyền thống trên địa bàn huyện Đại Từ đạt gần 174 tỷ đồng. Hiện nay, 135 tổ sản xuất tại các làng nghề, làng nghề chè truyền thống đã áp dụng quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, dán tem truy xuất nguồn gốc… Nhờ đó, sản phẩm chè của 17 tổ sản xuất đã được kiểm định đạt tiêu chuẩn, chất lượng và được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cấp mã vùng trồng.

Để các làng nghề, làng nghề chè truyền thống phát triển bền vững, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ Triệu Hồ Quang cho biết thêm: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu với UBND huyện xây dựng kế hoạch, chương trình bảo tồn và phát triển các làng nghề chè. Đồng thời, tiếp tục quan tâm đến công tác đào tạo, tập huấn cho các thành viên làng nghề về chế biến, sản xuất chè an toàn; hỗ trợ các làng nghề, làng nghề chè truyền thống xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, gắn sản xuất chè với phát triển du lịch, trải nghiệm...