Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở Phú Lương: Tạo tiền đề, chờ bứt tốc

Nhị Hà 10:12, 27/10/2023

Việc phát huy tiềm năng, lợi thế về giao thông, đất đai, nguồn nhân lực cùng với triển khai các chương trình khuyến khích, hỗ trợ phù hợp đã giúp sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở huyện Phú Lương có sự khởi sắc. Địa phương đã và đang dành nguồn lực, cơ chế thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư, tạo thế và lực để lĩnh vực này bứt tốc trong tương lai gần. 

Công ty TNHH Shints BTV - Chi nhánh Thái Nguyên đóng chân trên địa bàn huyện Phú Lương chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu, đang tạo viêc làm cho khoảng 1.600 lao động.
Công ty TNHH Shints BTV - Chi nhánh Thái Nguyên đóng chân trên địa bàn huyện Phú Lương chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu, đang tạo việc làm cho khoảng 1.600 lao động.

Tiểu thủ công nghiệp giữ đà tăng trưởng

Cụ thể hóa các mục tiêu được đề ra tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, UBND huyện Phú Lương đã ban hành Đề án phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (TTCN) giai đoạn 2021-2025, với tổng mức vốn thực hiện là gần 1.100 tỷ đồng (chủ yếu là vốn tự có của doanh nghiệp và huy động từ các tổ chức tín dụng, liên doanh liên kết).

Việc triển khai đồng bộ các giải pháp, nhất là về đầu tư hạ tầng, hỗ trợ khoa học công nghệ, khuyến công… đã tạo động lực để lĩnh vực này phát triển. Dự kiến giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN của huyện Phú Lương trong năm 2023 đạt 820 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 11,3%.

Riêng đối với TTCN, trung bình mỗi xã, thị trấn trên địa bàn hiện có 74 cơ sở sản xuất (tăng 9 cơ sở so với năm 2021). Các sản phẩm thế mạnh của địa phương duy trì tăng trưởng ổn định, gồm: Chế biến gỗ, gạch ngói, xi măng, nhôm kính, cơ khí, may mặc, chế biến chè…

Công tác hỗ trợ và phát triển ngành nghề nông thôn được quan tâm, chú trọng, từ việc hỗ trợ vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến giới thiệu và hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm TTCN.

Đặc biệt, huyện Phú Lương đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn khuyến công hỗ trợ các cơ sở sản xuất ở khu vực nông thôn. Từ năm 2021 tới nay, trên địa bàn có 7 đề án khuyến công và 7 dự án, mô hình được hỗ trợ máy móc, trang thiết bị; tổng nguồn vốn thực hiện là 5,9 tỷ đồng (trong đó ngân sách Nhà nước là 2,8 tỷ đồng, phần còn lại do người dân đối ứng).

Ông Lê Thanh Tịnh, ở xã Yên Ninh (Phú Lương), cho biết: Tận dụng lợi thế ở địa phương có diện tích rừng sản xuất lớn, gia đình tôi đầu tư cơ sở chế biến lâm sản được gần 10 năm. Đầu năm nay, cơ sở được hỗ trợ 200 triệu đồng để mua thêm một máy ép viên nén mùn cưa, giúp đa dạng hơn sản phẩm và tạo thêm việc làm cho 3 lao động.

Sản xuất tôn lợp và thép hộp tại Công ty TNHH Khoa Hồng Thái Nguyên (địa chỉ tại xã Động Đạt, huyện Phú Lương).
Sản xuất tôn lợp và thép hộp tại Công ty TNHH Khoa Hồng Thái Nguyên (địa chỉ tại xã Động Đạt, huyện Phú Lương).

Công nghiệp tạo nền móng

Cùng với TTCN, sản xuất công nghiệp của Phú Lương cũng có chuyển biến tích cực, với sản lượng công nghiệp địa phương năm 2022 đạt 620 tỷ đồng. Các ngành chủ yếu là khai thác, chế biến khoáng sản; sản xuất vật liệu xây dựng; may mặc; chế biến than; sản xuất kim loại…

Tuy nhiên, các cơ sở công nghiệp tại Phú Lương có quy mô nhỏ, chủ yếu là các ngành truyền thống hạn chế về công nghệ. Giá trị công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 198 tỷ đồng năm 2023. Sản lượng một số ngành sản xuất như khai thác đá giảm do Công ty CP Khoáng sản An Khánh ngừng hoạt động khai thác đá; một số cơ sở chế biến gỗ tại xã Hợp Thành và Phấn Mễ ngừng hoạt động; các cơ sở sản xuất cơ khí, đồ kim loại giảm sản lượng.

Để tạo nền móng cho sản xuất công nghiệp phát triển nhanh và bền vững trong tương lai gần, huyện Phú Lương đã quan tâm công tác quy hoạch, nhất là các cụm công nghiệp. Trong giai đoạn 2021-2030, trên địa bàn huyện được quy hoạch 5 cụm công nghiệp gồm: Yên Lạc (25,6ha); Yên Ninh (28ha); Bá Sơn, xã Cổ Lũng (50ha); Cầu Bình, xã Vô Tranh và Tức Tranh (35,6ha) và Cổ Lũng (55ha).

Trong số này, Cụm công nghiệp Yên Lạc do Công ty CP Tập đoàn Công Hà làm chủ đầu tư đang được triển khai hạ tầng kỹ thuật, với số vốn hơn 220 tỷ đồng; định hướng thu hút các dự án chế biến gỗ, nông sản, lâm sản, dệt may, da giầy, công nghiệp hỗ trợ...

Theo lãnh đạo huyện Phú Lương, địa phương đang đốc thúc chủ đầu tư hoàn thành chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng; hoàn thành hồ sơ thẩm định đánh giá tác động môi trường, cấp phép vị trí đổ thải khối lượng đất dư thừa, cấp phép vị trí khai thác nước ngầm. Đồng thời cam kết triển khai cơ chế ưu đãi để các doanh nghiệp thứ cấp vào đầu tư trong Cụm công nghiệp này.

Với quan điểm luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp - TTCN, UBND huyện Phú Lương đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Đáng chú ý là thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các dự án đầu tư từ ngân sách; thành lập Tổ tư vấn hỗ trợ dự án đầu tư.

Đồng thời thường xuyên tổ chức đối thoại, giải quyết các vướng mắc về đất đai, giải phóng mặt bằng; chỉ đạo phòng chuyên môn, các xã, thị trấn trên địa bàn tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính.

Huyện phấn đấu giữ vững và duy trì mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN cả giai đoạn 2021-2025 đạt 10,6%/năm và công nghiệp địa phương đạt 8,3%/năm trở lên. Đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN đạt gần 1.000 tỷ đồng.