Tiếp sức cho doanh nghiệp từ nguồn vốn khuyến công

Nhị Hà 08:58, 14/12/2023

Các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh có đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của tỉnh. Những năm qua, khi triển khai nguồn vốn khuyến công, loại hình DN này có thêm nguồn lực để nâng cao năng suất, giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm.

Cán bộ Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tổ chức nghiệm thu máy đóng gói trà túi lọc tam giác của Công ty CP nông sản Thái Nguyên, thuộc Đề án khuyến công quốc gia năm 2022.
Cán bộ Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) tổ chức nghiệm thu máy đóng gói trà túi lọc tam giác của Công ty CP nông sản Thái Nguyên, thuộc Đề án khuyến công quốc gia năm 2022. Ảnh: T.L

Hoạt động trong lĩnh vực gia công cơ khí, Công ty TNHH Kết cấu thép Hoàng Triều (phường Mỏ Chè, TP. Sông Công) luôn xác định phải đồng bộ hóa quy trình sản xuất theo hướng tự động, đầu tư nâng cấp thiết bị máy móc tiên tiến nhằm nâng cao năng suất. Trong điều kiện kinh phí hạn hẹp và sản xuất, kinh doanh gặp không ít khó khăn thì nguồn hỗ trợ khuyến công để mua sắm máy móc có ý nghĩa rất quan trọng.

Cuối năm 2022, Công ty TNHH Kết cấu thép Hoàng Triều đã đầu tư một máy chấn tôn thủy lực CNC phục vụ công đoạn tạo hình, gia công sản phẩm sắt thép. Kinh phí mua máy là trên 700 triệu đồng, trong đó được nguồn vốn khuyến công hỗ trợ 300 triệu đồng. Ông Nguyễn Hải Hòa, Giám đốc Công ty, chia sẻ: Có thêm nguồn lực sắm thiết bị mới và hiện đại giúp năng suất lao động tăng đáng kể. Chất lượng sản phẩm nâng lên, giúp chúng tôi nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn so với trước.

Còn ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Công ty TNHH TTJ (phường Ba Hàng, TP. Phổ Yên) cho rằng: Sản xuất, kinh doanh trong thời điểm hiện nay gặp không ít khó khăn, nên các chương trình hỗ trợ dù ít hay nhiều đều rất đáng quý.

Công ty TNHH TTJ hiện có 70 lao động, chuyên sản xuất máy nông nghiệp xuất khẩu sang Canada và thiết bị ống nối phục vụ phòng cháy, chữa cháy cho DN Hàn Quốc trên địa bàn tỉnh, yêu cầu về chất lượng sản phẩm rất cao. Chính vì vậy, khi được nguồn vốn khuyến công hỗ trợ mua một máy tiện bánh công cụ CNC cao cấp với giá hơn 2 tỷ đồng, đơn vị đã nhận được thêm một số đơn hàng mới từ đối tác.

Công ty TNHH TTJ (phường Ba Hàng, TP. Phổ Yên) vừa được hỗ trợ đầu tư mới máy tiện bánh công cụ CNC cao cấp, giúp nâng cao đáng kể năng suất, chất lượng các sản phẩm.
Công ty TNHH TTJ (phường Ba Hàng, TP. Phổ Yên) vừa được nguồn vốn khuyến công hỗ trợ đầu tư mới máy tiện bánh công cụ CNC cao cấp, giúp nâng cao đáng kể năng suất, chất lượng các sản phẩm.

Đối với HTX miến Việt Cường (thị trấn Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ), với việc được hỗ trợ một máy lọc bột ly tâm đã giúp giảm 5 nhân công trong công đoạn lọc bột. Giám đốc HTX Nguyễn Văn Ba thông tin: Máy mới có khả năng lọc sạn, làm sạch bột nhanh hơn hẳn, trung bình khoảng 6 tấn bột/ngày. Nhờ đó chúng tôi có điều kiện để chuyển một số nhân công sang các công đoạn khác, giúp tăng sản lượng các sản phẩm, bảo đảm đáp ứng nhu cầu thị trường dịp cuối năm.

Xét về quy mô, nguồn vốn khuyến công hỗ trợ hàng năm trên địa bàn tỉnh không lớn. Tuy nhiên, đây được coi là những đồng “vốn mồi” nhằm tạo động lực, khích lệ DN, HTX và hộ kinh doanh thêm động lực, mạnh dạn đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến vào sản xuất.

Trên cơ sở nguồn vốn được phân bổ, chương trình khuyến công tập trung hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp, DN theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình phát triển của địa phương. Đồng thời tư vấn, tập huấn nâng cao năng lực quản lý và mở rộng sản xuất; hỗ trợ các cơ sở tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ; xây dựng và đăng ký thương hiệu, tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Đối với các đơn vị đã được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công, nếu có nhu cầu phát triển sản xuất, đủ tiêu chuẩn và có đề án khả thi thì vẫn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ để tiếp cận với những công nghệ, thiết bị hiện đại, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh.

Nhờ được hỗ trợ về máy móc, HTX miến Việt Cường đã giảm nhân công trong công đoạn lọc sạn, làm sạch bột nguyên liệu.
Nhờ được hỗ trợ về máy móc, HTX miến Việt Cường (thị trấn Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ) đã giảm nhân công trong công đoạn lọc sạn, làm sạch bột nguyên liệu.

Ông Nguyễn Thế Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương), nhấn mạnh: Các chương trình khuyến công đã và đang góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Thông qua hoạt động khuyến công, nhiều cơ sở sản xuất, nhất là các DN nhỏ và vừa đã chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, đầu tư dây chuyền máy móc thiết bị tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, giảm nhân công lao động, tiết kiệm nguyên liệu và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường; đồng thời chú trọng, quan tâm hơn đến các hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Với phương châm hỗ trợ có trọng điểm, thời gian tới, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp sẽ tiếp tục xây dựng các đề án khuyến công mang tính đồng bộ; chú trọng lựa chọn, hỗ trợ xây dựng các mô hình chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Đồng thời, Trung tâm chú trọng tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ các DN, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia tìm hiểu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế của địa phương, nâng cao chất lượng các sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường...

Năm 2023, tỉnh Thái Nguyên triển khai thực hiện 3 đề án khuyến công quốc gia và 23 đề án khuyến công địa phương, với tổng kinh phí gần 6,6 tỷ đồng, trong đó có 16 đề án hỗ trợ máy móc thiết bị cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; 7 đề án tuyên truyền về chính sách phát triển công nghiệp nông thôn, quảng bá, giới thiệu, phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.