Mặc dù chưa có số liệu chính thức về dư nợ cho vay tính đến hết tháng 2-2024, nhưng theo ghi nhận của chúng tôi tại nhiều tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, lượng tiền “trả” về các ngân hàng (NH) sau Tết tăng đáng kể, trong khi lượng tiền vay từ các NH không tăng, khiến dư nợ cho vay trong tháng 2 giảm mạnh so với tháng 1 (thời điểm trước Tết). Dự báo dư nợ cho vay sẽ tiếp tục giảm, ít nhất đến hết quý I.
Dự báo dư nợ cho vay tiếp tục giảm. |
Để tìm hiểu về nhu cầu vay vốn, chúng tôi đã đến một số doanh nghiệp (DN) kinh doanh sắt, thép trên địa bàn TP. Thái Nguyên và cảm nhận rõ sự vắng khách hiện nay so với những thời điểm khác trong năm. Chị Trần Thị Hà, kế toán một DN kinh doanh sắt, thép tại phường Gia Sàng, chia sẻ: Sau Tết, nhiều DN xây dựng chưa trở lại hoạt động do chưa có công trình; người dân hầu như cũng chưa khởi công xây dựng mới (thường phải từ tháng 2 Âm lịch trở đi) nên lượng hàng bán ra không nhiều, chủ yếu vẫn là các đại lý cấp dưới lấy về bán lẻ. Chính vì thế, nhu cầu vốn của DN không cao.
Hiện nay, DN chỉ sử dụng khoảng 30% hạn mức được cấp tại các NH; so với trước Tết thì chỉ bằng một nửa, còn so với các tháng 11, 12-2023 (thời điểm giá sắt, thép liên tục điều chỉnh tăng) thì chưa bằng 1/3. Chị Hà cho rằng đây đã là “quy luật” từ nhiều năm qua. Chỉ năm nào giá có xu thế tăng, DN và người dân đẩy mạnh mua vào tích trữ thì khi đó nhu cầu tín dụng vào thời điểm ra Tết mới tăng.
Cũng không có nhu cầu cao về vốn như dịp trước Tết, anh Đào Ngọc Hùng, chủ cửa hàng tạp hóa trên đường Cách mạng Tháng Tám, TP. Thái Nguyên, cho biết: Quý IV và tháng 1 luôn là thời điểm chúng tôi có nhu cầu sử dụng vốn lớn nhất để nhập hàng hóa bán Tết. Do lượng tiêu thụ dịp Tết gấp hàng chục lần so với ngày thường nên nhu cầu vốn của chúng tôi bao giờ cũng sử dụng hết hạn mức 5 tỷ đồng được cấp, thậm chí phải vay thêm bên ngoài. Tuy nhiên, ngay trong những ngày giáp Tết (từ ngày 6 đến ngày 9-2), khi lượng hàng bán ra cơ bản “hòm hòm”, chúng tôi đã tranh thủ trả vào để đỡ phần lãi của những ngày trong Tết. Ra Tết, chúng tôi mới có nhu cầu vay lại để nhập hàng hóa bán tiếp nhưng khi này, số dư tại NH cũng chỉ bằng 30% so với thời điểm trước Tết.
Giảm nhu cầu vốn cũng xảy ra đối với cả các hộ chăn nuôi, do nhu cầu tiêu dùng của xã hội giảm. Nhiều hộ dân sau một thời gian tập trung chăn nuôi phục vụ thị trường Tết, cũng có tâm lý để trống chuồng, vừa để “xả hơi”, vừa để giãn khoảng cách giữa các lứa nuôi, nhằm phòng chống dịch bệnh, hoặc có thời gian sửa chữa lại chuồng trại.
Chính vì thế, hầu hết các chi nhánh cấp huyện của NH Nông nghiệp và PTNT (Agribank) Chi nhánh Thái Nguyên - đơn vị có dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm tới gần 70%, trong tháng 2 đều bị giảm dư nợ. Tuy nhiên, do Hội sở vẫn tăng ở một số khách hàng lớn nên theo bà Trần Thị Hương, Phó Giám đốc Chi nhánh: Tổng dư nợ của Agribank Thái Nguyên tính đến cuối tháng 2 vẫn tương đương so với cuối năm 2023.
Cũng có dư nợ giảm so với trước Tết, ông Hà Mậu Quý, Giám đốc NHTMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên, cho biết: Trong tháng 1, dư nợ cho vay cao nhất của Chi nhánh là 17.800 tỷ đồng, thì những ngày sau Tết có lúc giảm còn 17.250 tỷ đồng, sau đó tăng lên 17.435 tỷ đồng (ngày 26-2). So với cuối năm 2023, dư nợ cho vay tuy vẫn tăng gần 400 tỷ đồng, nhưng chủ yếu ở một vài khách hàng lớn. Trong khi đó, nhiều khách hàng khác lại giảm dư nợ, nhất là ở kỳ ngắn hạn. Thực tế này cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh của DN hiện vẫn rất khó khăn. Dù vậy, năm nay, khả năng tăng trưởng của Chi nhánh sẽ khả quan hơn năm 2023, do Chi nhánh đã có nguồn cho vay là một số dự án trong khu công nghiệp "gối" từ năm trước sang.
Không chỉ BIDV hay Agribank Thái Nguyên, dư thừa vốn, khó cho vay ra cũng đang là thực trạng chung của hầu hết các NH trên địa bàn tỉnh. Chính vì thế, sau Tết, lãi suất huy động tiền gửi của các NH tiếp tục được duy trì ở mức thấp kỷ lục.
Cụ thể, ở kỳ hạn dưới 6 tháng, thậm chí 9 tháng, lãi suất phổ biến chỉ xoay quanh mức trên dưới 4%/năm, cao nhất là 5,2%, thậm chí có NH còn để ở mức 3%/năm. Ở kỳ hạn 24 tháng, cũng chỉ chủ yếu xoay quanh mốc 4-5,5%/năm, cao nhất là 5,8%, không có NH nào niêm yết mức 6%/năm.
Huy động thấp nên lãi cho vay của các NH cũng được cho là khá dễ chịu. Đối với khối NH TMCP Nhà nước, cho vay DN thông thường ở mức trên dưới 6,5%/năm; hộ kinh doanh trên dưới 7%/năm; cho vay tiêu dùng xung quanh mức 9%/năm, giảm trung bình từ 2-3,5%/năm so với thời điểm cuối năm 2023. Đối với khối NH TMCP khác, lãi suất cho vay cao hơn từ 1-2%/năm, tùy đối tượng khách hàng.
Trước bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, cũng như của ngành NH, đã có nhiều giải pháp được các tổ chức tín dụng đưa ra, trong đó, các NH vẫn sẽ tập trung tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay; quan tâm tăng trưởng vào các nhóm tiêu dùng, hộ kinh doanh muốn lên doanh nghiệp; cải thiện chất lượng phục vụ để nâng cao doanh thu từ dịch vụ… Một số NH cũng sẽ ưu tiên tăng trưởng tín dụng đối với các dự án trung, dài hạn, tại các khu, cụm công nghiệp…
Tuy nhiên, để DN, hộ kinh doanh hoạt động ổn định, phát triển, từ đó tạo ra nhu cầu thường xuyên về tín dụng, thì rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ cơ chế, chính sách, cũng như việc tháo gỡ khó khăn của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với từng dự án, lĩnh vực, DN. Từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như việc thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng khác của tỉnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin