Trong nắng nhẹ đầu Xuân, những phên gỗ đã được bóc mỏng, xếp thứ tự đều tăm tắp như những quyển vở, chờ hong khô rồi xuất bán. Công việc mua cây, xẻ gỗ, băm gỗ… đã mang lại thu nhập khá ổn định không chỉ cho gia chủ mà còn hơn 10 lao động thời vụ ở địa phương. Đó là cơ sở chế biến lâm sản Phạm Văn Dự ở xóm Tân Sơn, xã Cúc Đường (Võ Nhai).
Bên ấm trà nóng, anh Phạm Văn Sang, người cùng kết hợp với anh Phạm Văn Dự thành lập nên cơ sở chế biến lâm sản này, chia sẻ với chúng tôi những khó khăn, vất vả khi mới khởi nghiệp. Anh Sang bảo: Thời buổi này kiếm đồng tiền không dễ dàng chút nào, nhất là ở những xóm, xã vùng cao, địa hình hiểm trở, đất sản xuất ít. Nhưng là đàn ông, tôi không cho phép bản thân chùn bước trước những khó khăn. Tôi từng không nề những công việc như “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, “buôn đầu chợ, bán cuối chợ” từ thóc, ngô, khoai sắn, chạy xe khách rồi lại chuyển sang buôn gỗ, trồng rừng… Nhưng tất cả những công việc đó chỉ giúp gia đình có cuộc sống tương đối ổn định, chưa thỏa mãn niềm khát khao làm giàu, nên tôi quyết định đầu tư mở cơ sở sản xuất chế biến lâm sản. Mình sống trên đất rừng mà không biết phát huy lợi thế từ rừng thì cũng uổng.
Với quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, bao nhiêu vốn liếng cùng với vay mượn thêm, anh Dự và anh Sang đã đầu tư gần 5 tỷ đồng để mở cơ sở chế bến lâm sản. Công việc này không đơn giản, vì cần vốn lớn, mặt bằng rộng và phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết.
Thời điểm trời mưa nhiều hoặc nồm ẩm, gỗ bóc ra không được hong khô kịp thời sẽ bị ẩm mốc, không bán được hoặc phải vứt bỏ. Có những hôm trời đang nắng to, không may trời đổ mưa rào mà không chạy ván bóc kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng. Nhưng với quyết tâm làm giàu chính đáng, anh Dự, anh Sang vừa làm vừa học hỏi, tự đúc rút kinh nghiệm…
Sau hơn 2 năm kể từ ngày thành lập cơ sở, bước đầu đã cho thấy những kết quả nhất định. Trung bình mỗi tháng cơ sở của các anh bóc được hơn 100m3 ván (thời điểm có nắng to đạt 200m3 ván/tháng); gỗ băm, củi băm đạt 350 tấn/tháng; giải quyết việc làm cho gần 10 lao động tại địa phương.
Anh Sang cho biết: Công việc bóc gỗ, băm củi lại khá vất vả, phải là người có sức khỏe mới đảm đương được; chưa kể còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên có lúc không thuê được lao động thời vụ nên ảnh hưởng tới quy trình sản xuất, hiệu quả kinh tế.
Thị trường đầu ra cho sản phẩm ván bóc và gỗ băm, củi băm hiện nay tương đối thuận lợi. Loại gỗ anh mua bóc ván đa phần là gỗ keo, loại cây được trồng nhiều ở Cúc Đường cũng như các địa phương khác trong tỉnh nên không thiếu về nguồn cung cấp nguyên liệu. Hiện nay, cơ sở anh đang thu mua với giá hơn 1 triệu đồng/tấn gỗ keo; hơn 900 nghìn đồng/tấn củi.
Nhìn chiếc xe tải lớn đang chờ xếp ván gỗ thành phẩm đi bán, dàn máy bóc gỗ đang rình rịch chạy đều, người nào việc đấy, chúng tôi hiểu bao tâm huyết anh Dự, anh Sang đã dồn hết vào cơ sở chế biến lâm sản. Chúng tôi chúc các anh đạt được những mục tiêu, dự định đề ra, là một trong những cơ sở chế biến lâm sản của xã vùng cao Cúc Đường ngày càng phát triển bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng, giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin