Xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”

Hằng Nga - Vũ Công 10:19, 23/03/2024

Chè Thái Nguyên là thương hiệu không chỉ nổi tiếng trong nước mà đã vươn ra thế giới. Nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã được bảo hộ trên toàn quốc và tại nhiều quốc gia trên thế giới. Thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp nâng cao uy tín thương hiệu chè Thái Nguyên. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để các hộ sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chè chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ…

HTX chè Hảo Đạt (TP. Thái Nguyên) luôn quan tâm đến việc tạo dựng thương hiệu và nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã được bảo hộ trên toàn quốc và tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong ảnh: Công nhân của HTX đóng gói sản phẩm
HTX chè Hảo Đạt (TP. Thái Nguyên) luôn quan tâm đến việc tạo dựng thương hiệu và nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã được bảo hộ trên toàn quốc và tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong ảnh: Công nhân của HTX đóng gói sản phẩm

Thái Nguyên hiện có 22.200ha chè, trong đó diện tích chè cho sản phẩm là 21.100ha. Năm 2023, năng suất chè bình quân đạt 126,99 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 267.500 tấn (tương đương 53.500 tấn chè búp khô), giá trị sản phẩm trà đạt 12.300 tỷ đồng. Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh, đến hết tháng 10-2024, toàn tỉnh có 194 công ty, hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ dân, cơ sở đăng ký và được cấp giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”.

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội facebook xuất hiện thông tin phản ánh của người tiêu dùng khi mở gói chè bên ngoài bao bì có in dòng chữ “Trà xanh Tân Cương” nhưng bên trong đựng sản phẩm giống như lá cây khô. Thực tế, việc mua bán các loại bao bì, túi đựng có in những thông tin liên quan đến chè Thái Nguyên trên thị trường không khó, mặt hàng này được bày bán ở các cửa hàng tạp hoá, ở các quầy hàng trong chợ…

Ghé vào ki-ốt của chị Đ. tại khu vực tầng hầm của chợ Thái, chúng tôi được chị giới thiệu về các loại bao bì, túi đựng chè với đủ kích cỡ, mẫu mã, màu sắc. Hầu hết các bao bì nêu trên đều đã in sẵn: Trà xanh Tân Cương - Thái Nguyên; Trà xanh Thái Nguyên; Trà đặc sản Thái Nguyên; Trà xanh đặc sản Tân Cương - Thái Nguyên... kèm theo đó là những thông tin về thành phần, công dụng, cách bảo quản, cách pha trà.

Ki ốt của chị Đ. tại tầng hầm chợ Thái (TP. Thái Nguyên) bày bán rất nhiều các loại bao bì, túi đựng chè khác
Ki ốt của chị Đ. tại tầng hầm chợ Thái (TP. Thái Nguyên) bày bán rất nhiều các loại bao bì, túi đựng chè khác

Theo một số người dân sản xuất chè trên địa bàn tỉnh, việc mua các loại bao bì, túi đựng chè in sẵn dễ dàng như trên vừa có mặt lợi lại vừa có mặt hại. Mặt lợi là giúp người sản xuất chè tiết kiệm được chi phí do giá thành rẻ hơn so với việc trực tiếp đi in, tiết kiệm được thời gian đi lại, chờ in. Khi mua bao bì về chỉ cần dán thêm nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ là xong. Tuy nhiên, bao bì in sẵn cũng tạo cơ hội để các đối tượng làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Trao đổi cùng chúng tôi về vấn đề này, ông Chu Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường khẳng định: Để bảo vệ quyền lợi của các tổ chức, cá nhân sản xuất chân chính trên địa bàn cũng như quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ thương hiệu “Chè Thái Nguyên”, đơn vị đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của các tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng chè đóng gói sẵn mang nhãn hiệu “Chè Thái Nguyên” hoặc trên bao bì có in, viết chỉ dẫn địa lý đến các vùng chè đặc sản của tỉnh như: Tân Cương, La Bằng… Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong kinh doanh mặt hàng chè đến các cá nhân, tổ chức kinh doanh và người tiêu dùng. Trong quá trình thực hiện biện pháp nghiệp vụ, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm về nhãn hàng hóa, về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, an toàn thực phẩm, đặc biệt là có dấu hiệu của hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”, đơn vị sẽ kịp thời phối hợp với cơ quan chức năng xác minh, làm rõ để ngăn chặn, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Qua đó, góp phần bảo vệ và nâng cao uy tín thương hiệu “Chè Thái Nguyên” phát triển bền vững.

Khuyến cáo đối với người tiêu dùng, bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội chè tỉnh Thái Nguyên cho rằng: Người tiêu dùng khi mua các sản phẩm mang thương hiệu "Chè Thái Nguyên" nên kiểm tra kỹ các thông tin trên bao bì của sản phẩm như: tên sản phẩm, cơ sở sản xuất, địa chỉ, tem nguồn gốc xuất xứ… Ngoài ra, để tránh việc bị nhập nhèm nguồn gốc xuất xứ hay mạo danh thương hiệu "Chè Thái Nguyên", người tiêu dùng cũng có thể vào địa chỉ https://thainguyentea.gov.vn để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Việc làm giả, làm nhái thương hiệu sản phẩm trà Thái Nguyên là một trong những hành vi cần lên án mạnh mẽ. Bởi, hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại rất lớn, gây nguy hiểm cho sức khỏe và an toàn của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến thương hiệu chè của tỉnh. Chính vì vậy, cơ quan chức năng có liên quan của tỉnh cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh chè nhằm kịp thời phát hiện và ngặn chặn hành vi sản xuất, kinh doanh các sản trà không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”.

Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng:

             Điều 13: Hành vi buôn bán tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.

            1. Đối với hành vi buôn bán tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả quy định tại điểm e, khoản 7, Điều 3 Nghị định này, mức phạt tiền như sau:

            a) Phạt tiền từ 300-500 nghìn đồng trong trường hợp tem, tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả có số lượng dưới 100 cái, chiếc, tờ hoặc đơn vị tính tương đương (gọi tắt là đơn vị);

            b) Phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng trong trường hợp tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả có số lượng từ 500 đến 1.000 đơn vị;

            -Mức phạt tăng theo số lượng tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả, mức cao nhất của điểm e, khoản 7, Điều 3 Nghị định này tại điểm h:

            h) Phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng trong trường hợp tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả có số lượng từ 10.000 đơn vị trở lên mà không truy cứu trách nhiệm hình sự.

            Điều 14: Hành vi sản xuất tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.

           2. Đối với hành vi sản xuất tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả quy định tại điểm e, khoản 7, Điều 3 Nghị định này, mức phạt tiền như sau:

         a). Phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng trong trường hợp tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả có số lượng từ 100 đơn vị.

         b). Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng trong trường hợp tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả có số lượng từ 100 đơn vị đến dưới 500 đơn vị.

            -Mức phạt tăng theo số lượng sản xuất tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.