Đồng hành hỗ trợ nông dân vùng cao

H.Đ 10:08, 10/04/2024

Người nông dân vốn cần cù, chịu thương, chịu khó, nhưng để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp thì ngoài yếu tố “thiên thời, địa lợi”, bà con vẫn cần có những người “cầm tay, chỉ việc” để hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Các cán bộ ở Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Võ Nhai (Trung tâm) đã nỗ lực thực hiện hiệu quả công việc này.

Chị Trần Thị Hà, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Võ Nhai, kiểm tra cây trồng ở xóm La Hóa, xã Lâu Thượng.
Chị Trần Thị Hà, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Võ Nhai, kiểm tra cây trồng ở xóm La Hóa, xã Lâu Thượng.

Chị Trần Thị Hà, cán bộ của Trung tâm xăm xắn đưa chúng tôi đi tham quan những vườn cây ăn quả ở xã Lâu Thượng (Võ Nhai). Gặp ai cũng thấy họ vồn vã hỏi thăm chị, điều đó khiến chúng tôi vui lây. Chị Hà thật thà chia sẻ: Lương chỉ được 6-7 triệu đồng mỗi tháng, nhưng bù lại bà con nông dân rất giàu tình cảm dành cho mình... Đúng như chị Hà nói, khi chúng tôi bày tỏ mong muốn gặp một điển hình về trồng trọt, chị chỉ cần bấm máy điện thoại gọi, dù ở tít trên núi cao, họ cũng sẵn sàng buông cuốc về nhà tiếp khách thái độ niềm nở, thân mật.

Còn khi đến xã Bình Long, chúng tôi bắt gặp hình ảnh anh Nguyễn Văn Tiến, cán bộ của Trung tâm, xuống tận chân ruộng, tuyên truyền, hướng dẫn bà con trồng đỗ tương bản địa, góp phần lưu giữ nghề làm đậu truyền thống nổi tiếng ở địa phương.

Mỗi cán bộ của Trung tâm, dù là nam hay nữ, dù hoàn cảnh không giống nhau nhưng đều có chung sự tận tâm, nhiệt huyết với công việc, sẵn sàng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” để góp phần giúp bà con nông dân biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; lựa chọn giống cây, con mới phù hợp, đem lại hiệu qủa kinh tế cao… Họ được người dân coi như người bạn, người thân trong gia đình. Bà Nông Thị Lan, quyền Giám đốc Trung tâm, cho biết: Tất cả 15 xã, thị trấn của huyện Võ Nhai đều có cán bộ của Trung tâm xuống tận cơ sở hướng dẫn bà con phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng và vật nuôi và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Chúng tôi phối hợp với các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác chỉ đạo sản xuất và phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Đơn cử năm 2023, Trung tâm đã chỉ đạo xây dựng, ban hành khoảng 200 văn bản hướng dẫn và kế hoạch tổ chức thực hiện; phối hợp triển khai thực hiện tốt các mô hình, dự án theo Đề án phát triển Nông lâm nghiệp huyện Võ Nhai giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030.

Ngoài ra, đơn vị phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục thực hiện mô hình na rải vụ tại xã Phú Thượng và La Hiên; phối hợp với Tập đoàn Giống cây trồng Miền Nam, Chi nhánh Ba Vì thực hiện mô hình lúa lai Thụy Hương 308 và lúa thuần Thiên ưu 8 tại Tràng Xá và Lâu Thượng. Đơn vị còn phối hợp ngành chức năng tổ chức được hơn 100 lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật với 4.025 lượt người tham gia; chỉ đạo viên chức phụ trách các xã, thị trấn chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch sản xuất nông lâm nghiệp phù hợp với  địa phương các xã, thị trấn để triển khai thực hiện; duy trì công tác điều tra, dự tính, dự báo dịch hại trên các loại cây trồng, có thông báo, hướng dẫn và văn bản chỉ đạo phòng trừ dịch hại kịp thời nhằm hạn chế dịch hại lớn xảy ra.

Nhờ đóng góp quan trọng của những cán bộ khuyến nông, kết quả gieo cấy và chăn nuôi, thú y, thủy sản năm 2023 của huyện Định Hóa đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, như: Diện tích gieo cấy lúa 4.968,45ha, đạt 103,5% kế hoạch; diện tích gieo trồng cây ngô đạt 4.679,33ha, đạt 100,2% kế hoạch; tổ chức tiêm vắc-xin tụ huyết trùng trâu, bò, vắc-xin lở mồm long móng cho lợn và vắc-xin cúm gia cầm đều đạt 100% kế hoạch...

 Phát huy những kết quả đạt được, năm 2024, Trung tâm tiếp tục chủ động tham mưu, phối hợp với các đơn vị trong ngành, UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt kế hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp; công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Trung tâm chỉ đạo viên chức làm việc tại các xã, thị trấn thường xuyên bám sát nhiệm vụ, địa bàn phụ trách, tuyên truyền, vận động người dân duy trì, phát triển ổn định đàn vật nuôi; hướng dẫn người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, VietGAP, hữu cơ; phối hợp thực hiện tốt công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật...