Du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Phú Lương: Tiềm năng cần được khai phá

Việt Dũng - Hồng Tâm 10:07, 10/04/2024

Phát triển nông nghiệp gắn với dịch vụ, du lịch nông nghiệp, nông thôn được xem là một trong những giải pháp quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Đây là cơ hội để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trước xu thế đô thị hóa phát triển nhanh, đất sản xuất ngày càng thu hẹp. Huyện Phú Lương là địa phương có tiềm năng lớn về lĩnh vực này và rất cần các giải pháp để khai phá, từ đó mang lại hiệu quả thực tế.

Huyện Phú Lương có nhiều tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, cảnh quan, sản phẩm nông nghiệp... để phát triển du lịch.
Huyện Phú Lương có nhiều tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, cảnh quan, sản phẩm nông nghiệp... để phát triển du lịch.

Lẻ tẻ mô hình

Trên địa bàn huyện Phú Lương có nhiều khu vực nông thôn cảnh quan đặc sắc và nông sản đặc trưng. Đặc biệt, huyện sở hữu diện tích trồng chè lớn, với vùng chè Khe Cốc nổi tiếng ở xã Tức Tranh. Những nương chè đẹp gắn với đặc thù sản xuất và văn hóa thưởng trà độc đáo là yếu tố thu hút du khách tham quan.

Tâm huyết và mong muốn phát triển cây trồng chủ lực của địa phương, ông Tô Văn Khiêm, Trưởng xóm Khe Cốc, kiêm Chủ tịch HĐQT HTX chè an toàn Khe Cốc đã mạnh dạn đầu tư mô hình homestay; mở phòng thưởng trà và cải tạo cảnh quan vườn chè để đón du khách đến chụp ảnh, trải nghiệm cuộc sống nhà nông và mua sản phẩm. Nhiều món ăn gắn với cây chè được ông sáng tạo khi làm du lịch như: Gà hấp trà, đậu chiên trà, kẹo lạc làm từ bột mát-cha... "Tôi cho rằng du khách trực tiếp đến trải nghiệm, thưởng thức và mua sản phẩm là cách tốt nhất để quảng bá, đưa thương hiệu chè Khe Cốc vươn xa. Bà con cũng từ đó mà thay đổi tư duy sản xuất theo hướng an toàn, bền vững" - ông Khiêm chia sẻ. Được biết, từ khi mở cửa tới nay, mô hình homestay của ông Khiêm đã thu hút được một số đoàn khách, trong đó có cả khách nước ngoài.

Tại xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh cũng đã hình thành điểm du lịch cộng đồng. Đây là nơi có lợi thế cảnh quan sông suối, đồi chè đẹp, đình làng cổ và đặc biệt là nét đặc sắc văn hóa của đồng bảo Sán Chay. Hiện, xóm có 5 nhà sàn, 2 nhà homstay phục vụ lưu trú; phát triển các sản phẩm du lịch gồm mô hình trải nghiệm, dịch vụ vui chơi, giải trí, khai thác trò chơi dân gian, sản phẩm thủ công truyền thống và duy trì đội văn nghệ quần chúng. Ông Hầu Văn Nhân, Trưởng xóm Đồng Tâm cho biết: Tuy lượng du khách đến tham quan, trải nghiệm chưa nhiều nhưng cũng đã mang lại nguồn thu nhất định và giúp bà con dần thay đổi tư duy, phục vụ du khách ngày một chuyên nghiệp hơn.

Cùng với Tức Tranh, một số mô hình du lịch cộng đồng gắn với đặc thù về nông nghiệp, nông thôn đã hình thành tại Phú Lương. Đáng chú ý như: Địa điểm thung lũng tình yêu (xã Yên Lạc); HTX Du lịch cộng đồng và dịch vụ tổng hợp Phú Dung với mô hình tham quan kết hợp nghỉ dưỡng (xã Động Đạt); mô hình nhà sàn phục vụ du lịch cộng đồng, lấy thuốc nam tại xóm Đồng Tiến (xã Yên Lạc); Vườn hoa hồng cổ tại hồ Núi Mủn (xã Cổ Lũng); Công ty CP Sản phẩm thiên nhiên DK phát triển dịch vụ tham quan, trải nghiệm mô hình trồng cây thìa canh tại xã Yên Ninh.

Chưa tương xứng với tiềm năng

Có thể khẳng định, nét đặc sắc về nông nghiệp, nông thôn là một trong những thế mạnh để phát triển du lịch của Phú Lương. Đây là địa phương có số lượng làng nghề nhiều nhất trên địa bàn tỉnh, với nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng. Bên cạnh cây chè, huyện còn nhiều sản phẩm nông nghiệp thế mạnh khác như: Gạo nếp vải, bánh chưng Bờ Đậu, mật ong… Cùng với đó là hệ thống 24 di tích lịch sử đã được xếp hạng, gần 100 điểm di tích đã kiểm kê; 6 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (gồm: múa Tắc xình của người Sán Chay; hát Sấng cọ; lễ hội cầu mùa; lễ hội đền Đuổm; nghi thức trình diễn khèn Mông và nghệ thuật trình diễn dân gian Pả Dung của người Dao) và nhiều danh lam thắng cảnh, nhất là các hồ nước lớn và khu cảnh quan sinh thái tự nhiên là các yếu tố hấp dẫn du khách.

Công ty CP Sản phẩm thiên nhiên DK phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng kết hợp tham quan, trải nghiệm mô hình trồng dây thìa canh tại xã Yên Ninh (Phú Lương).
Công ty CP Sản phẩm thiên nhiên DK phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng kết hợp tham quan, trải nghiệm mô hình trồng dây thìa canh tại xã Yên Ninh (Phú Lương).

Tuy nhiên, thực tế đóng góp của ngành du lịch nói chung, trong đó có du lịch nông nghiệp, nông thôn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Phú Lương còn rất khiêm tốn. Nguyên nhân là các mô hình du lịch chủ yếu mang tính tự phát, rời rạc; cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn hạn chế; công tác đào tạo nguồn nhân lực và quảng bá về du lịch chưa được quan tâm đúng mức…

Bà Nguyễn Thị Hoàng, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Saemaul Phú Nam 1, xã Phú Đô, đề nghị: Trên địa bàn xã Phú Đô có nhiều nương chè đẹp, điều kiện về giao thông rất thuận lợi. Chúng tôi đã được đầu tư xây dựng nhà đón tiếp khách và giới thiệu sản phẩm chè. Bà con mong muốn được hỗ trợ thêm những điều kiện cần thiết và tập huấn để thực hiện mô hình du lịch cộng đồng. Trong khi đó, ông Lê Minh Thảo, Chủ tịch UBND xã Tức Tranh (Phú Lương) thì nhấn mạnh sự cần thiết của việc kết nối các điểm du lịch trải nghiệm, di tích lịch sử và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia để thu hút, giữ chân du khách lâu hơn...

Nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch, huyện Phú Lương đã xây dựng Dự án hỗ trợ phát triển mô hình du lịch nông nghiệp giai đoạn 2022-2025. Trong đó tập trung vào một số giải pháp như: Huy động nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch nông nghiệp tại HTX chè an toàn Khe Cốc (xã Tức Tranh), HTX chè Đạt Phát (xã Vô Tranh) và Công ty CP Sản phẩm thiên nhiên DK (xã Yên Ninh); quảng bá về du lịch địa phương; hình thành tuyến du lịch kết nối những mô hình nông nghiệp với các di tích, điểm tham quan. Cùng với đó là phát triển các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh; lồng ghép Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với du lịch cộng đồng…

Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Lương, cho biết: Với vai trò là cơ quan chuyên môn, chúng tôi đang tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các mô hình định hướng phát triển du lịch nông nghiệp về kỹ năng phục vụ du khách, việc kết nối và quảng bá hình ảnh. Đồng thời, tham mưu với UBND huyện thực hiện các giải pháp gắn phát triển du lịch với triển khai các dự án, chương trình, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.