Khoảng cuối những năm 1970, hàng trăm hộ dân từ huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay là TP. Hà Nội) đã di cư đến huyện Phú Lương làm kinh tế mới. Với đức tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, bà con nhanh chóng bắt nhịp với sản xuất và có đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung trên quê hương mới.
Nhờ sự đóng góp tích cực của bà con nhân dân, xóm Phú Nam Mới, xã Phú Đô (Phú Lương) đã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Trong ảnh: Đường bê tông rộng 6m ở xóm Phú Nam Mới. |
Xóm Phú Nam Mới, xã Phú Đô (Phú Lương) thành lập năm 2019 với 125 hộ, được sáp nhập từ hai xóm Mới và Phú Nam 1. Trong đó, 62 hộ của xóm Phú Nam 1 (cũ) đều là người Phú Xuyên đi làm kinh tế mới. Từ mảnh đất chủ yếu là rừng tạp, bà con đã khai hoang, cải tạo thành những đồi chè rộng vút tầm mắt, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Bà Nguyễn Thị Lương cùng gia đình và người thân lên xóm Phú Nam Mới làm kinh tế theo vận động của Nhà nước từ năm 1975. Giống như hàng chục hộ khác, gia đình bà cũng dựa vào nông nghiệp là chính, khai hoang đất rừng thành đồi thấp để trồng chè. Bà Lương tâm sự: Thời điểm đó, đất đai còn cằn cỗi do chưa được cải tạo, giá trị từ chè còn thấp và năng suất không cao nên bà con trong xóm chỉ đủ ăn chứ không có dư. Gắn bó với cây chè trung du gần 40 năm thì đến năm 2014, chúng tôi được hỗ trợ trồng chè cành, tập huấn nâng cao kỹ thuật chế biến và bảo quản nên giá trị cây chè tăng qua từng năm. Đến nay, 1ha chè của gia đình cho thu nhập khoảng 25 triệu đồng/lứa; mỗi năm thu hái từ 6-7 lứa.
Nhờ cây chè, toàn bộ 62 hộ dân gốc Phú Xuyên đều có kinh tế vững, đời sống ngày một nâng lên. Một số hộ trong xóm có kinh tế khá giả từ trồng chè như: Đỗ Quang Hiến, Đỗ Quang Ngọc, Nguyễn Văn Thuỷ, Nguyễn Văn Bắc, Nguyễn Hữu Được…
Chè là cây trồng chủ lực của người Phú Xuyên đi làm kinh tế mới tại huyện Phú Lương. |
Cùng với xóm Phú Nam Mới, 400 hộ dân người gốc Phú Xuyên đang sinh sống tại các xóm Phú Nam 2, Phú Nam 3, Phú Nam 7 của xã Phú Đô đều có thu nhập ổn định từ cây chè. Hiện, giá chè trung bình của người dân bán cho thương lái từ 200-350 nghìn đồng/kg búp khô.
Còn tại xã Yên Lạc, người gốc Phú Xuyên tập trung sinh sống tại 4 xóm là: Yên Thuỷ 1, Yên Thuỷ 2, Yên Thuỷ 4 và Tân Thuỷ, với khoảng 450 hộ. Cũng tương tự như Phú Đô, người Phú Xuyên sinh sống tại xã Yên Lạc tập trung phát triển cây chè, được đánh giá là có kinh tế khá giả hơn mặt bằng chung của xã. Nhờ đó, bà con tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đơn cử như tại xóm Yên Thuỷ 2, để mở rộng tuyến đường huyết mạch của xóm, người dân đã hiến gần 9.000m² đất và tài sản trên đất, đóng góp tiền đối ứng cùng hàng trăm ngày công lao động.
Ông Thi Văn Thưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lạc cho biết: Người Phú Xuyên có đức tính cần cù, chịu khó, tích cực học hỏi nên tiếp cận khoa học, kỹ thuật trồng chè rất nhanh. Đặc biệt, người Phú Xuyên có tính tiết kiệm, dành dụm nên hầu như các hộ đều xây được nhà khang trang, đời sống sung túc.
Từ những năm 1975, những hộ dân đầu tiên người Phú Xuyên đặt chân lên đất Phú Lương để phát triển kinh tế. Hiện nay, người Phú Xuyên sinh sống chủ yếu tại 4 xã phía Đông và Đông Nam huyện Phú Lương với khoảng 2.000 hộ, gồm: Vô Tranh, Phú Đô, Yên Lạc, Tức Tranh. Người Phú Xuyên phát triển kinh tế nhờ trồng chè, trong đó có những vùng chè đặc sản như: Cụm Khe Cốc (xã Tức Tranh); xóm Phú Nam Mới (xã Phú Đô), xóm Yên Thủy 2 (xã Yên Lạc); xóm Tân Bình 1, Tân Bình 2 (xã Vô Tranh)…
Sau gần 50 năm, những người Phú Xuyên sinh sống tại huyện Phú Lương không ổn định kinh tế gia đình mà còn chung tay xây dựng nên một cộng đồng đoàn kết, góp sức cùng huyện Phú Lương trong phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với phát triển kinh tế, bà con luôn tuân thủ chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, gương mẫu trong các công việc chung và tích cực giúp đỡ người dân xung quanh, đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin