Tín chỉ carbon (CO2) - Nguồn lợi vô tận

Văn Hiến 18:01, 03/04/2024

Tín chỉ carbon hoặc giấy phép đại diện cho 1 tấn carbon (CO2) đã dần trở thành hàng hóa được nhiều tổ chức quốc tế, quốc gia sử dụng như một tài sản có giá trị để đổi các, mua bán trên thị trường toàn cầu. Việt Nam nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng đang có nhiều lợi thế để xây dựng tín chỉ carbon phục vụ phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, chúng ta sẵn sàng giao dịch loại sản phẩm đa lợi ích nhưng vô hình này để thu về nguồn ngoại tệ cho đất nước…

 Lượng phát thải khí nhà kính quá lớn khiến nhiều quốc gia, tổ chức cần mua tín chỉ carbon.

Hình thành sản phẩm “độc” và lạ

Thị trường carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu được thông qua vào năm 1997. Theo Nghị định thư Kyoto, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho các quốc gia phát thải nhiều hơn mục tiêu cam kết. Từ đó, trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là tín chỉ giảm khả năng hấp thụ phát thải khí nhà kính. Sau khi Nghị định thư Kyoto có hiệu lực, thị trường carbon đã phát triển mạnh tại các quốc gia ở nhiều châu lục, như: Âu, Mỹ và cả châu Á. Thị trường tín chỉ carbon được chia thành tự nguyện và bắt buộc. Trong đó, thị trường bắt buộc dựa trên cam kết của các quốc gia trong Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) để đạt được mục tiêu cắt giảm khí nhà kính. Thị trường này chủ yếu dành cho các dự án phát triển sạch, phát triển bền vững. Còn đối với thị trường carbon tự nguyện lại dựa trên cơ sở hợp tác thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia. Bên mua tín chỉ carbon tham gia vào các giao dịch trên cơ sở tự nguyện để đáp ứng các chính sách về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp để giảm phát thải.

Các thị trường carbon lớn trên thế giới

Thị trường thương mại phát thải quốc tế đầu tiên là Liên minh châu Âu vận hành từ năm 2005. Đây là công cụ, chính sách quan trọng bậc nhất của Liên minh châu Âu nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, thực thi cam kết trong Nghị định thư Kyoto trước đây và sau này là Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Thị trường này chiếm khoảng 45% tổng lượng phát thải toàn châu Âu và khoảng 3/4 thị trường phát thải carbon toàn cầu.

Trung Quốc dành sự quan tâm đặc biệt tới vấn đề phát thải khi tình trạng ô nhiễm môi trường ở các đô thị lớn trong nước ngày càng căng thẳng. Do vậy, việc xây dựng thị trường carbon đã được Trung Quốc đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015 và sau đó đã tiến hành thí điểm tại các khu vực, thành phố khác nhau. Năm 2021, thị trường giao dịch trao đổi carbon Trung Quốc đã chính thức vận hành. Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và một số quốc gia có nền công nghiệp quy môn lớn, phát triển nhanh khác đã, đang đặt vấn đề giao dịch  tín chỉ carbon rộng khắp để đảm bảo những điều đã cam kết toàn cầu về cắt giảm khí thải, hướng tới sự phát triển bền vững của nhận loại.

Tỉnh Thái Nguyên có nhiều cơ hội để xây dựng tín chỉ carbon khi độ che phủ rừng cao hơn 5,5% so với mức bình quân chung cả nước.
Tỉnh Thái Nguyên có nhiều cơ hội để xây dựng tín chỉ carbon khi độ che phủ rừng cao hơn 5,5% so với mức bình quân chung cả nước.

Vận hành sàn giao dịch trong nước

Việt Nam đã cam kết lộ trình giảm phát thải và cương quyết trong thực hiện phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Phát biểu tại các cuộc họp của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu hay làm việc với các nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu các tổ chức toàn cầu, tập đoàn kinh tế lớn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cam kết Việt Nam nhất quán, tiên phong thực hiện cắt giảm nguồn nhiên liệu hóa thạch; Ứng dụng công nghệ sạch, an toàn trong sản xuất, đầu tư phát triển nguồn nhiên liệu từ tự nhiên. Đặc biệt, Việt Nam đã, đang đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ rừng và thực hiện diện dự án trồng 1 tỷ cây xanh trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Nghị định này có quy định cụ thể về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước. Việt Nam phấn đấu thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025...

Tỉnh Thái Nguyên triển khai dự án trồng cây xanh trong khu, cụm công nghiệp. Ảnh TL
Tỉnh Thái Nguyên triển khai dự án trồng cây xanh trong khu, cụm công nghiệp. Ảnh TL

Tại tỉnh Thái Nguyên tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,6% diện tích tự nhiên và chính quyền các cấp luôn dành sự quan tâm đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng, trồng cây xanh tại khu dân cư, cơ quan, trường học và các khu, cụm công nghiệp. Tiêu biểu là các địa phương trong tỉnh có lợi thế về phát triển lâm nghiệp đã tiến hành quy hoạch, xây dựng các tiêu chí để đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ, tín chỉ chuyên môn về rừng…

Ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Trong 3 năm (năm 2021-2023), tổng nguồn vốn huy động để bảo vệ, trồng mới và nâng cao chất lượng rừng của Việt Nam là 9.449 tỷ đồng. Trong đó, có tới 4.111 tỷ đồng từ vốn vốn xã hội hóa (chiếm 43,5%). Lần đầu tiên Việt Nam chính thức bán 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng với giá 5 USD/tín chỉ, thu về 51,5 triệu USD.

Tỉnh Thái Nguyên hiện có trên 178.800 ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp, gồm: Rừng đặc dụng (36.000 ha), rừng phòng hộ (43.000 ha) và rừng sản xuất (99.000 ha). Tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh hiện đạt 47,6% (cao hơn 5,5% so với mức bình quân chung của cả nước). Đặc biệt, Hiệp hội Quản trị rừng quốc tế đã, đang chuẩn bị cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC cho 7.500 ha rừng tại 3 huyện: Định Hóa, Võ Nhai, Đại Từ. Tuy nhiên, từ chứng chỉ rừng bền vững FSC đến tín chỉ carbon và đủ điều kiện giao dịch thu về nguồn ngoại tệ, cơ quan chức năng của tỉnh, UBND cấp huyện còn phải thực hiện thêm nhiều nội dung chuyên môn về rừng…