Mới đây, UBND tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn miền núi Thái Nguyên đầu tư xây dựng Nhà máy Luyện xỉ Titan Cây Châm (tại xã Cây Châm, huyện Phú Lương), công suất 20.000 tấn/năm. Đây được xem là bước khởi động quan trọng cho ngành công nghiệp chế biến sâu khoáng sản tại địa phương.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, bắt đầu từ năm 2009, nước ta sẽ không xuất khẩu quặng Titan mà tập trung vào chế biến sâu tại nội địa nhằm tăng giá trị sản phẩm hàng hoá và tránh thất thoát tài nguyên. Với lợi thế của một tỉnh giàu tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản titan, Thái Nguyên đã triệt để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ bằng việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu khoáng sản Titan tại địa phương. Việc ra đời Nhà máy Luyện xỉ Titan Cây Châm vào thời điểm này thể hiện sự chủ động và linh hoạt của tỉnh trong thực hiện chủ trương của Chính phủ.
Theo đăng ký đầu tư, Nhà máy Luyện xỉ Titan Cây Châm sản xuất và chế biến xỉ Titan đạt trên 92%, công suất 20.000 tấn/năm. Ngoài ra, Nhà máy còn đồng thời cho ra lò sản phẩm gang hợp kim, công suất 10.000 tấn/năm. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 40.000m2 với tổng vốn đầu tư khoảng 105 tỷ đồng. Ngay sau khi được cấp phép, Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn miền núi đã khẩn trương xúc tiến đầu tư, san ủi mặt bằng. Hiện nay, toàn bộ mặt bằng xây dựng đã cơ bản hoàn tất theo đúng thiết kế. Công ty đã ký kết hợp đồng và mời các chuyên gia hàng đầu về lắp đặt dây chuyền chế biến khoáng sản của Trung Quốc sang khảo sát, thiết kế, lắp ráp thiết bị và chuyển giao công nghệ sản xuất cho Nhà máy. Công ty cũng đã triển khai các thủ tục cần thiết về đảm bảo môi trường như: Báo cáo đánh giá tác động môi trường, thiết kế và đầu tư các thiết bị hiện đại về xử lý ô nhiễm môi trường... Với tiến độ xúc tiến đầu tư như hiện nay, Nhà máy Luyện xỉ Titan Cây Châm dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2008 và chính thức cho ra sản phẩm vào quý I năm 2009.
Cần phải nói thêm, sản phẩm xỉ titan là một trong những nguyên liệu quý phục vụ ngành công nghiệp luyện kim và một số ngành công nghiệp mũi nhọn khác. Sản xuất xỉ titan cho ra sản phẩm có giá trị gấp 10 lần so với giá trị ban đầu (quặng titan 52%). Gang hợp kim được tận thu từ Quặng Titan cũng là một sản phẩm cần thiết trong chế biến khoáng sản, chế tạo chi tiết máy và sản xuất xi măng. Trước đây, các doanh nghiệp khai khoáng Titan chỉ tuyển được tinh bột titan 52% và bỏ phí trên 40% sắt và các kim loại khác có chứa trong Quặng Ti tan. Nhưng nay, công nghệ luyện xỉ Titan sẽ tận thu triệt để trên 40% kim loại bỏ phí đó để chuyển thành sản phẩm gang gợp kim. Thực tế nước ta hiện nay, nhu cầu tiêu thụ 2 sản phẩm xỉ Titan và gang hợp kim của ngành công nghiệp nặng là rất lớn, chúng ta vẫn chủ yếu nhập khẩu 2 sản phẩm này với khối lượng lớn.
Để đảm bảo nguyên liệu phục vụ cho Nhà máy, Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn miền núi đang đẩy nhanh tiến độ khai thác khoáng sản tại Mỏ titan Cây Châm. Do trữ lượng tại mỏ này chỉ còn khoảng 70.000 tấn, nên Công ty đã đề nghị và được tỉnh cấp thêm 4 điểm mỏ titan khác nhằm phục vụ chế biến lâu dài là: Điểm mỏ Phú Thịnh (Đại Từ), điểm mỏ Làng Lân, Hái Hoa và Làng Bầu (Phú Lương). Hiện tại, các điểm mỏ này đang được xúc tiến thăm dò, tiến tới khai thác tận thu.
Được biết, song song với đầu tư xây dựng Nhà máy Luyện xỉ Titan, Công ty đang xúc tiến đầu tư và đã nhập toàn bộ dây chuyền thiết bị, máy móc, sẵn sàng cho ra đời Nhà máy chế biến sâu khoáng sản chì kẽm tại huyện Phú Lương, công suất khoảng 10.000 tấn năm. Nguyên liệu phục vụ cho hoạt động của Nhà máy này cũng đang được Công ty tập trung khai thác tại Mỏ chì kẽm Bản Tèn (Đồng Hỷ), số nguyên liệu đã tập kết đạt trên 14.000 tấn.