Hưởng ứng Tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng (từ ngày 10/3 đến 10/4/2023), các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang tập trung triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn sự phát sinh, bùng phát và lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Qua đó góp phần tiêu diệt mầm bệnh ngoài môi trường, giúp đàn vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế.
Nhờ thực hiện tốt việc khử trùng, tiêu độc và được tiêm vắc-xin đầy đủ nên đàn gà của gia đình chị Trần Thị Huyền, ở xóm Bầu 2, xã Phấn Mễ (Phú Lương) phát triển khỏe mạnh. |
Gia đình anh Nghiêm Văn Tuân, ở xóm Bầu 2, xã Phấn Mễ (Phú Lương) đang nuôi 2.000 con gà. Để ngăn ngừa dịch bệnh, gia đình anh không cho người lạ vào khu vực chăn nuôi và thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, bổ sung chế độ ăn hợp lý cho gà theo từng giai đoạn sinh trưởng.
Anh Tuân chia sẻ: Cứ vào dịp tháng Ba, đầu tháng Tư hàng năm, thời tiết chuyển mùa, thường xuất hiện các đợt nồm ẩm, mưa nắng thất thường, làm giảm sức đề kháng của vật nuôi. Vì vậy, ngoài tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin, tôi còn phun thuốc sát trùng toàn bộ chuồng trại 2 lần/tuần; rắc vôi bột xung quanh lối ra vào cửa chuồng; thường xuyên quét dọn, phát quang bụi rậm xung quanh chuồng trại chăn nuôi. Nhờ thực hiện tốt vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi nên đàn gà của gia đình tôi sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, không bị nhiễm dịch bệnh.
Không riêng anh Tuân, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng đang tích cực triển khai công tác tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi để tiêu diệt các mầm bệnh. Thực hiện Tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng, Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản tổ chức cấp phát vôi bột, thuốc tiêu độc khử trùng cho các địa phương. Cùng với đó, Chi cục cũng tăng cường tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc phun khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi để người dân chủ động thực hiện; hướng dẫn bà con quy trình kỹ thuật tiêu độc, khử trùng để bảo đảm hiệu quả, an toàn cho người, động vật và môi trường.
Không chỉ ở các cơ sở, trang trại chăn nuôi, việc khử trùng, tiêu độc còn được thực hiện tại khu vực buôn bán gia súc, gia cầm; chợ đầu mối; những điểm đã xuất hiện ổ dịch cũ… Để bảo đảm việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng có hiệu quả, Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản khuyến cáo bà con sử dụng vôi bột, nước vôi đặc hoặc các loại hóa chất sát trùng như: Benkocid, Han-iodine, Vinadin, Virkon, Chloramin B… với liều lượng theo đúng hướng dẫn trên nhãn mác.
Việc phun hóa chất tiêu độc, khử trùng chỉ thực hiện sau khi đã được vệ sinh cơ giới như: quét dọn, cọ rửa sạch sẽ các dụng cụ, trang thiết bị khu vực chuồng trại. Chi cục cũng lưu ý bà con, chỉ sử dụng hóa chất sát trùng có trong danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam.
Năm 2023, Thái Nguyên phấn đấu giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 7.080 tỷ đồng, tăng 4,12% so với năm 2022; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 161.000 tấn. Hiện, tổng đàn vật nuôi của tỉnh đang duy trì trên 640 nghìn con gia súc và 14,8 triệu con gia cầm. Do làm tốt công tác phòng, chống dịch nên trong những tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh không xuất hiện các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đàn vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt.
Theo đại diện Chi cục Chăn nuôi - thú y và Thủy sản, hiện đang là thời điểm giao mùa, sức đề kháng của vật nuôi giảm, nguy cơ bùng phát, lây lan dịch bệnh rất cao. Vì vậy, bà con nên chủ động trong việc vệ sinh, phun khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu để tiêu diệt mầm bệnh lưu trữ, phát tán trong môi trường, hạn chế dịch bệnh bùng phát. Cùng với đó, bà con nên áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và tiêm phòng vắc-xin đầy đủ, bổ sung thức ăn đảm bảo dinh dưỡng để đàn vật nuôi có sức đề kháng tốt...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin