Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất sản xuất lâm nghiệp, những năm qua, người dân ở các xóm đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong đó có việc đưa cây keo, bạch đàn vào trồng trên những diện tích cây trồng kém hiệu quả, từ đó góp phần cải thiện thu nhập cho bà con nhân dân.
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 600 cơ sở chế biến lâm sản, do vậy cây keo người dân các địa phương trồng đều được các cơ sở thu mua hết. Trong ảnh: Cơ sở sản xuất gỗ xẻ của gia đình ông Đặng Thanh Vân, ở xóm Phố Trào, xã Yên Đổ (Phú Lương). |
Về xóm Na Sàng, xã Phú Đô (Phú Lương) hôm nay, chúng tôi không chỉ được chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng về cơ sở hạ tầng của xóm đặc khó khăn này, mà còn cảm nhận được sự thay đổi trong phát triển kinh tế của bà con nơi đây. Những quả đồi vốn trước chỉ trồng các loại cây ngắn ngày như ngô, sắn thì nay đã được phủ bằng màu xanh mướt của cây keo, bạch đàn.
Chỉ tay về phía những quả đồi ấy, ông Hoàng Văn Nhính, Trưởng xóm Na Sàng, cho biết: Do diện tích đất sản xuất nông nghiệp hạn chế nên trước đây, người dân chủ yếu trồng ngô, sắn trên đó để lấy lương thực ăn hằng ngày và làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Nhưng gần chục năm nay, bà con đã thay thế gần 60ha đất sang trồng keo lấy gỗ.
Việc đưa cây keo vào trồng đại trà đã mở ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế ở xóm đặc biệt khó khăn Na Sàng. Nếu năm 2016, gần 100% hộ dân trong xóm đều thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo thì đến nay, xóm chỉ còn 9/29 hộ nghèo, cận nghèo.
Là một trong những hộ đi đầu về trồng rừng ở xóm Na Sàng, anh Trần Văn Tươi cho biết: Gia đình tôi có trên 4ha đất sản xuất lâm nghiệp. Trước đây, tôi trồng hết sắn nhưng do giá cả bấp bênh, năng suất lại thấp do phải phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời, vì thế, khoảng 10 năm nay, tôi đã chuyển sang trồng keo, chỉ giữ lại khoảng 2 sào trồng sắn để làm thức ăn cho gia cầm.
Lứa keo đầu tiên, gia đình tôi thu được hơn 300 triệu đồng. Bình quân sau 5 năm trồng rừng sản xuất gia đình thu nhập gần 100 triệu đồng/ha. Các thành viên trong gia đình ai cũng vui mừng, phấn khởi. Cũng nhờ đó mà tôi có điều kiện sắm sửa các vật dụng sinh hoạt trong gia đình, nuôi con ăn học đại học và cũng thoát khỏi diện nghèo.
Ông Hầu Văn Thành (bên trái), Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm Lân Vai, xã Dân Tiến (Võ Nhai) thăm rừng keo 4 năm tuổi của một hộ dân trong xóm. |
Cũng như người dân ở xóm Na Sàng, nhận thấy giá trị kinh tế từ rừng trồng đem lại, khoảng hơn 5 năm nay, người dân ở xóm đặc biệt khó khăn Lân Vai, xã Dân Tiến (Võ Nhai) cũng đẩy mạnh trồng rừng. Hiện nay, xóm có hơn 20ha rừng trồng, chủ yếu là cây keo, bạch đàn.
Ông Hầu Văn Thành, Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm Lân Vai, phấn khởi chia sẻ: Trước đây, để có thu nhập, nhiều người dân trong xóm thường xin vào làm tại các xưởng chế biến gỗ, hoặc đi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh để phát cỏ, chặt và vác gỗ thuê. Nhận thấy cây keo đem lại thu nhập cao hơn so với các loại cây trồng khác, bà con đã chuyển đổi những diện tích trồng bí ngô, sắn, mía... kém hiệu quả sang trồng keo, bạch đàn. Mặc dù mới đưa vào trồng, chưa có nhiều hộ cho thu hoạch nhưng bước đầu đã giải quyết được việc làm cho người dân trong xóm.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 142 xóm ở 37 xã thuộc xóm đặc biệt khó khăn. Những năm qua, cùng với các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, chính quyền và người dân các xóm đặc biệt khó khăn đã tích cực đưa các mô hình kinh tế vào sản xuất, trong đó có việc đẩy mạnh phát triển kinh tế đồi rừng.
Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Bàn Đạt (Phú Bình), chia sẻ: Xã hiện còn 3/12 xóm (Đồng Quan, Đá Bạc, Cầu Mành) thuộc diện xóm đặc biệt khó khăn. Với những lợi ích mang lại từ rừng, chúng tôi đã tích cực đẩy mạnh tuyên tuyền, vận động người dân ở 3 xóm chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây keo. Qua đó, trung bình mỗi năm người dân ở 3 xóm trồng mới được khoảng 10ha keo.
Với lợi thế đất tự nhiên có trên 1.700ha, còn nhiều tiềm năng để mở rộng diện tích trồng rừng, trong thời gian tới, xã Bàn Đạt sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển các loại cây lâm nghiệp, trong đó tập trung vào cây keo.
Hiệu quả từ trồng rừng đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở những xóm đặc biệt khó khăn. Qua rà soát, đánh giá của các xã thì dự kiến đến năm 2025, nhiều xóm sẽ ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, như: Đồng Quan, Đá Bạc, Cầu Mành của xã Bàn Đạt (Phú Bình); Ba Đình, Đồng Mẫu, Đồng Mây của xã Tân Long (Đồng Hỷ); Na Sàng, Phú Bắc, Phú Nam 8 của xã Phú Đô (Phú Lương)...
Theo thống kê, trong 10 tháng năm 2023, diện tích rừng trồng mới tập trung trên địa bàn tỉnh đạt 4.208ha, bằng 122,5% kế hoạch năm (trong đó có trên 140ha rừng phòng hộ, 4.067ha rừng sản xuất); sản lượng gỗ khai thác đạt trên 250.000m3. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin