Những năm gần đây, nông dân huyện Phú Bình tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào khâu gieo cấy nhằm tăng năng suất lao động.
Nông dân xã Kha Sơn gieo mạ khay. |
Đến thời điểm này, người dân xã Kha Sơn đã cơ bản hoàn thành việc gieo mạ vụ xuân. Trong đó, hầu hết diện tích được áp dụng kỹ thuật gieo mạ khay. Chị Nguyễn Thị Thủy, xóm Tân Thành, xã Kha Sơn, nói: Với phương pháp truyền thống như mạ dược, mạ nền, tôi phải sử dụng khoảng 2kg thóc giống để gieo mạ cấy 1 sào lúa, gấp đôi so gieo mạ khay. Lượng gieo quá dày nên mạ không đủ dinh dưỡng và ánh sáng để phát triển tốt. Khi cấy ra ruộng, loại mạ truyền thống lâu bén rễ, dảnh mạ nhỏ nên phải cấy nhiều dảnh/khóm.
Nhiều nông dân địa phương khẳng định, khi sử dụng mạ khay, hạt thóc giống được phân đều trên lỗ khay nên rễ cây mạ sẽ phát triển nhanh và ổn định hơn. Khi cấy, bà con chỉ cần đứng ném chứ không cần cúi người. Với cách làm này, một người có thể cấy được 2 sào/ngày, nhiều hơn khoảng 1,5 sào so với cấy mạ truyền thống.
Thêm nữa, gieo mạ khay chỉ sau từ 7 đến 10 ngày là có thể cấy nên phù hợp với việc gieo cấy trà lúa xuân muộn (chiếm 98% diện tích gieo cấy vụ xuân). Khay gieo mạ còn có thể tái sử dụng trong các mùa vụ sau.
Với những ưu điểm như trên, vụ xuân năm nay, khoảng 60% diện tích gieo mạ của huyện Phú Bình được áp dụng phương pháp gieo mạ khay (tăng 35% so với năm 2020).
Bên cạnh việc áp dụng phương pháp này, nông dân Phú Bình cũng tích cực đưa các giống lúa lai, lúa thuần chất lượng cao vào gieo cấy. Vụ xuân năm nay, khoảng 70% diện tích gieo mạ sử dụng giống lúa lai, lúa thuần chất lượng cao (tăng 30% so với năm 2020). Trong đó chủ yếu là các giống: Thiên Ưu 8, TH3-5, TH3-7, J02, TBR225...
Bà Nguyễn Thị Vinh, ở xóm Vàng, xã Tân Đức, chia sẻ: Những năm gần đây, tôi đã chuyển từ cấy giống lúa Khang Dân sang J02 và thu được hiệu quả cao hơn hẳn. Trung bình mỗi vụ, tôi thu được 220kg thóc/sào, nhiều hơn 20kg so với lúa Khang Dân. Trên thị trường, giá gạo J02 hiện là 25 nghìn đồng/kg, cao hơn gạo Khang Dân 10 nghìn đồng/kg.
Nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào gieo cấy nên năng suất, chất lượng lúa gạo trên địa bàn huyện Phú Bình ngày càng cao. Năm 2023, giá trị sản phẩm trên một héc ta đất trồng trọt của huyện đạt 123,5 triệu đồng, tăng 5,05 triệu đồng so với năm 2022.
Để có được thành quả này, thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong gieo cấy, trồng trọt. Riêng năm 2023, toàn huyện tổ chức được 170 lớp tập huấn với gần 6.000 lượt người tham gia.
Hằng năm, huyện cũng quan tâm xây dựng các mô hình thí điểm giống lúa mới chất lượng cao; hỗ trợ mô hình cánh đồng một giống lúa. Năm 2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã phối hợp triển khai 7 mô hình thí điểm sản xuất giống lúa mới; triển khai cánh đồng lúa tập trung với diện tích gần 2.000ha.
Ông Nguyễn Văn Khiêm, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Bình, cho biết: Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục phối hợp mở các lớp tập huấn, nâng cao trình độ sản xuất của người dân; triển khai các dự án, mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Riêng vụ xuân này, Trung tâm đang phối hợp triển khai mô hình thí điểm gieo cấy giống lúa hai dòng Thiên Trường 217 và lúa thuần N91; hỗ trợ giá giống lúa J02, J01 với diện tích 33ha tại xã Tân Hòa và Tân Đức...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin