Trong muôn vàn nghề nghiệp, có lẽ công việc gác chắn đường tàu không được mấy người để ý và lựa chọn, bởi đặc thù đơn điệu và thu nhập thấp. Nhìn qua, hầu hết sẽ cho rằng đây là một công việc đơn giản và nhàn nhã, nhưng thực tế ẩn sau đó là những nhọc nhằn và trách nhiệm nặng nề mà ít ai hiểu được.
Nhiều người nhận xét, nghề gác chắn đường tàu không quá nặng nhọc và đơn điệu - điều đó đúng. Hơn 12 năm gắn bó với nghề, chị Phạm Thị Thơm, nhân viên tại chắn Bắc Nam giới thiệu ngắn gọn nhiệm vụ của mình: Công việc chính của chúng tôi là nghe điện thoại trực ban, ghi chép cẩn thận nhật ký thời gian tàu đến để kéo chắn ngang, đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện giao thông khi qua điểm giao cắt. Ngoài ra, người trực gác chắn còn có thêm nhiệm vụ như dọn cỏ, rác, siết ốc và bảo dưỡng đường ray và giàn chắn, đồng thời quản lý và bảo trì đường sắt trong phạm vi 50m hai bên chắn. Hướng dẫn, giúp đỡ người và phương tiện tham gia giao thông được an toàn khi qua đường ngang, đảm bảo không bị ùn tắc.Theo chị Thơm, tuy công việc không quá vất vả nhưng nhân viên gác chắn đường tàu lại phải chịu áp lực về thời gian và những quy định rất nghiêm ngặt trong nghề. Cụ thể, mỗi ca trực của công nhân kéo dài 12 tiếng liên tục, mỗi tháng làm 10 ca ngày và 10 ca tối. Khi đã lên ban thì tuyệt đối không được rời nhiệm sở hoặc ngủ.
Chị Nguyễn Thị Huệ có thâm niên hơn 30 năm trong ngành Đường sắt, trong đó 8 năm liên tục làm ở chắn Thái Nguyên (đoạn giao giữa đường sắt Thái Nguyên - Hà Nội và đường Quang Trung) chia sẻ: Mỗi khi trực, “người bạn” thân thiết của chúng tôi là chiếc điện thoại bàn, sổ ghi chép và 4 bức tường. Dù trực đêm thì nhân viên gác chắn cũng tuyệt đối không được ngủ, bởi thời điểm này thường có tàu chờ hàng, giờ chạy lại không cố định nên phải luôn tỉnh táo để trực. Chị Huệ kể: Trung bình mỗi đêm có từ 4 hoặc 5 chuyến tàu chờ hàng trên tuyến này, thường là than, quặng hoặc vật liệu xây dựng. Đối với chắn Thái Nguyên, chúng tôi thường nhận tin báo có tàu trước khoảng 15 phút từ ga Lưu Xá, khi tàu đến chắn Bắc Nam thì chị em ở đó sẽ linh động báo tiếp bằng điện thoại di động để chuẩn bị. Tuy nhiên, cũng có lúc điện thoại bị trục trặc, mất tín hiệu liên lạc, khi đó nhân viên gác chắn buộc phải ra đường đứng trước, căn thời gian để chờ còi tàu báo tín hiệu (khi cách chắn khoảng 1km). Có lần giữa đêm mưa bão, chúng tôi phải khoác áo mưa chờ gần nửa tiếng đồng hồ bởi tàu gặp sự cố nên không đến đúng giờ. Những lúc như thế, mặc dù đường rất vắng, hầu như không có phương tiện tham gia giao thông nhưng chúng tôi vẫn phải tuân thủ tuyệt đối quy trình làm việc. Bởi chỉ một sơ xuất nhỏ cũng có thể dẫn đến tai nạn nguy hiểm đến tính mạng.
Chúng tôi có mặt tại chắn Nông lâm (giao giữa đường đê Nông lâm và đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên) đúng vào giờ tan tầm. Giữa đông đúc xe cộ đang di chuyển, chị Đặng Thị Huyền cầm cờ báo hiệu và vất vả lắm mới hạ được cần chắn vào đúng vị trí. Một thanh niên không đội mũ bảo hiểm cố tình vượt lên trước, suýt nữa đâm vào nhân viên gác chắn. Khi tàu đã qua, chị Huyền chia sẻ: Những trường hợp như vừa rồi không hiếm gặp, ai cũng muốn đi nhanh hơn một chút mà đôi khi không quan tâm đến sự nguy hiểm có thể xảy tới cho bản thân và cả người khác. Khi tàu qua đường ngang, nếu mật độ xe cộ đông thì thời gian đóng chắn theo quy định không được sớm quá 3 phút, nếu đường thưa thì không quá 5 phút. Nhiều người không hiểu, chờ lâu một chút có khi to tiếng hoặc văng tục. Chưa kể khi trực buổi tối tại chắn, nhân viên nữ còn hay bị các đối tượng say rượu hoặc nghiện ma túy, thành phần bất hảo quấy rối, trêu trọc. Đó là những đặc thù của nghề mà chúng tôi buộc phải làm quen và chấp nhận.
Có một điều chúng tôi cảm nhận được khi tiếp xúc với những nhân viên gác chắn đường tàu là họ đều rất lạc quan, niềm nở và gắn bó với nghề, mặc dù thu nhập khá thấp (chỉ gần 3 triệu đồng/tháng). Chị Nguyễn Thị Lan, nhân viên tại chắn 36 (thuộc địa phận T.P Sông Công) cười tươi khi nói chuyện với chúng tôi: Gác chắn đường tàu nghèo lắm, đó cũng là thực trạng chung của công nhân đường sắt. Hai vợ chồng tôi làm cùng ngành, tổng lương mỗi tháng chưa nổi 6 triệu đồng. Tính ra, chỉ đủ sinh hoạt hằng ngày một cách tiết kiệm và đóng tiền học cho hai cháu. Ngoài giờ trực, tôi nhận sản phẩm của Nhà máy May TNG về để hoàn thiện, đôi khi làm thêm cả việc bóc lạc, bổ hạt dẻ thuê. Chồng tôi là Nguyễn Văn Hải (thuộc tổ duy tu đường sắt), sau giờ làm cũng chạy xe ôm, bốc gạch thuê để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Anh em trong ngành vẫn động viên nhau rằng, tuy thu nhập của gác chắn đường tàu có thấp một chút nhưng đây cũng là một nghề ổn định, đáng mơ ước của nhiều người.
Tôi gặp Phạm Trà Giang, nhân viên trẻ nhất trong số gần 50 người làm công việc gác chắn đường tàu tại Thái Nguyên. Giang năm nay 20 tuổi, sau khi học và có chứng chỉ “Gác chắn đường ngang” do Tổng cục Đường sắt cấp, em đã gắn bó với công việc này được hơn 1 năm. Khi được hỏi, Giang giản dị: Xã hội có người làm giám đốc, bác sĩ hay giáo viên thì cũng cần những người lao động chân tay, trong đó có nghề gác chắn đường tàu. Em làm công việc này chưa lâu nhưng cảm thấy yêu nghề, sẽ làm hết trách nhiệm và xác định gắn bó lâu dài với công việc này”.